Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Người dân khu vực miền núi, sống dưới các sườn đồi, nguy cơ trượt lở đất đá

Người dân khu vực miền núi, sống dưới các sườn đồi, nguy cơ trượt lở đất đá

Mức độ trượt lở đất, đá không cao

Theo thông báo cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, tại huyện A Lưới nguy cơ rất cao trượt lở đất đá vùng núi tại khu vực xã Phú Vinh, Lâm Đớt cùng một số địa phương. Nguy cơ cao sạt lở các tuyến giao thông như đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), khu vực UBND xã Quảng Nhâm, đường 74 A Lưới đi Nam Đông, đường 71 A Lưới đi Phong Điền…

Đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh cáo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam (gọi tắt đề án) của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cũng cho thấy, tại huyện miền núi A Lưới, trong số 122 điểm trượt lở đất đá thì 14 điểm có quy mô nhỏ, 38 điểm quy mô trung bình và 57 điểm quy mô lớn, 8 điểm quy mô rất lớn, 4 điểm trượt có quy mô đặc biệt lớn và 1 điểm chưa xác định được quy mô trượt.

Cùng với đó, trên địa bàn khu vực miền núi tỉnh đã ghi nhận được 151 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá xác định từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số, 205 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa. Trong số 205 vị trí trượt lở đất đá đã được xác định từ khảo sát thực địa, có 59 vị trí trượt lở quy mô nhỏ (100.000m3), 18 vị trí chưa xác định được quy mô khối trượt do địa hình khó khăn không thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, đơn vị điều tra đã xác định và khảo sát được 1 vị trí đã từng xảy ra lũ quét ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới và 9 vị trí đã xảy ra sạt lở bờ sông. Trong quá trình điều tra, đơn vị điều tra đã kịp thời cảnh báo người dân địa phương và lực lượng chức năng về mức độ nguy hiểm của khối trượt.

Đề án cũng đánh giá, trên địa bàn Thừa Thiên Huế trượt lở thường xảy ra trên các sườn dốc nhân tạo (các sườn taluy) tại khu vực dọc các tuyến đường giao thông chính và khu vực dân cư, đặc biệt tập trung nhiều dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 74, 71 và Quốc lộ 49. Ngoài ra, trượt lở còn xảy ra trên một số sườn tự nhiên, đường lâm nghiệp, liên thôn, xã. Nhìn chung, mức độ trượt lở đất đá trên toàn địa bàn tỉnh không cao cả về số lượng, mật độ và quy mô. Tuy nhiên, mức độ tập trung của trượt lở ở những địa bàn cụ thể lại rất cao, điển hình như ở huyện A Lưới có 122/205 điểm.

Quy hoạch phát triển kinh tế

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, căn cứ vị trí cảnh báo của các đơn vị, chúng tôi yêu cầu các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, sông suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, dễ bị chia cắt. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm tràn, đoạn sạt lở và chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt khi xảy ra mưa lớn.

Cũng theo kết quả đánh giá của đề án, tác động trượt lở đất đá, tai biến địa chất đối với đời sống Nhân dân và KT-XH ở một số nơi vùng miền núi của tỉnh khá nghiêm trọng, đặc biệt đã xuất hiện nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng con người và tài sản. Công tác phòng, chống đã triển khai và đạt được hiệu quả ở một số nơi, tuy nhiên, còn một số bất cập như vấn đề kinh phí di dời dân cư đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên cơ sở đó, đề án đề xuất một số giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá và các tai biến địa chất khác liên quan, có thể khả thi áp dụng tại khu vực miền núi tỉnh. Theo đó, đối với các công trình đường giao thông, cần tiến hành bóc bỏ lớp đá phong hóa có kết cấu yếu, hạ độ dốc mái taluy; xây các rãnh phân bậc trên sườn dốc, rãnh thoát nước mưa, nhằm hạn chế quá trình nước chảy gây sạt lở; xây kè hộ chân vách taluy âm, chân núi; bảo vệ thảm thực vật xung quanh và kết hợp trồng cỏ hạn chế xói lở bề mặt địa hình.

Các địa phương sớm khoanh định thực địa những khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, suối và bờ biển nguy hiểm để lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư. Chính quyền cũng có biện pháp di dời nhà dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét, sườn dốc. Thiết lập mạng lưới nghiên cứu, quan trắc các dạng trượt lở đất, đá có nguy cơ cao ở địa phương và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho cộng đồng dân cư...

Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước. Lượng mưa trung bình năm đều vượt quá 2.600mm, có nơi trên 4.000mm (Bạch Mã, Thừa Lưu). Trung tâm mưa lớn như phía tây A Lưới - động Ngại (1.774mm) có lượng mưa trung bình năm trên 3.400mm, có năm vượt quá 5.000mm; khu vực Nam Đông - Bạch Mã - Phú Lộc lượng mưa trung bình năm khoảng 3.400 - 4.000mm, có năm vượt quá 5.000mm.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chu-dong-ung-pho-voi-sat-lo-de-an-cu-147185.html