Chủ động ứng phó với thiên tai

Lực lượng bộ đội biên phòng giúp dân khắc phục sạt lở do triều cường xâm thực. Ảnh: ANH NGỌC

Phú Yên là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển… Trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là mà chủ động ứng phó.

Chủ động ứng phó trong tình hình mới

Để chủ động ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm, các sở, ngành và địa phương đều xây dựng các phương án, kế hoạch. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) cũng phải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Mặc dù địa phương triển khai tốt công tác ứng phó, nhưng năm 2020 vẫn chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 12, làm thủy sản nuôi chết hàng loạt. Để chủ động ứng phó, năm nay, UBND TX Sông Cầu đã triển khai các phương án ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Địa phương đã bổ sung phương án vừa PCTT, vừa phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt bổ sung nhiệm vụ của tổ COVID cộng đồng tham gia PCTT. Khó khăn nhất hiện nay ở TX Sông Cầu là công tác di dời, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản khi xảy ra bão. Hiện địa phương đang tập trung di dời lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi các khu vực neo đậu tàu thuyền, tạo luồng lạch thông thoáng…

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, là địa phương miền núi nên khi xảy ra bão thì các loại cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Sông Hinh có nhiều khu vực trũng thấp, khi mưa lũ đổ về sẽ có nhiều khu dân cư bị ngập lụt, đặc biệt là xã Sơn Giang. Hiện nay, công tác PCTT càng khó khăn và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó; hiện nay đã bổ sung phương án cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19. “Trên địa bàn huyện có khoảng 20 hồ thủy lợi nhỏ, xây dựng đã lâu nên mức độ an toàn không cao, vì vậy địa phương đã có phương án ứng phó khi các hồ này xảy ra sự cố trong mùa mưa bão sắp tới. Riêng La Bách là hồ chứa nước thủy lợi tương đối lớn trên địa bàn, nhưng một số hạng mục xuống cấp, đặc biệt là van điều tiết nước hư hỏng nặng. Địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa nước nói trên”, ông Thành cho biết.

Tương tự, Đồng Xuân là huyện miền núi có địa hình rất phức tạp, hệ thống sông, suối tương đối dày, hàng năm tổng lượng nước từ các sông suối này đổ ra biển khoảng 1,5 tỉ m3. Chính vì địa hình phức tạp, hàng năm ở Đồng Xuân xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Riêng năm 2020, bão và lũ lụt đã gây thiệt hại hơn 160 tỉ đồng. Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, từ huyện đến cơ sở xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án khi xảy ra thiên tai, bão lũ với nguyên tắc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, đồng thời thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”. Địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án di dời, sơ tán dân phù hợp với tình huống dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai

Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, nguy cơ rủi ro thiên tai có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nhiều khu vực đã không còn an toàn, do đó công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó phải được đặt lên hàng đầu và được lồng ghép trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội sẽ giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và tài sản. Các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân cũng như đào tạo kỹ năng, kiến thức phòng tránh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT, thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng các kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ Phú Yên khoảng 373 tỉ đồng để tỉnh khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lụt xảy ra trong năm 2020. Đồng thời xem xét hỗ trợ Phú Yên kinh phí thuê đơn vị tư vấn để phân tích số liệu, tính toán và lựa chọn phương án vận hành điều tiết, tích nước hợp lý, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, cũng như đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du. Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương ưu tiên vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các công trình PCTT; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Các địa phương chủ động tổ chức tập huấn, diễn tập PCTT phù hợp với phương châm “4 tại chỗ”. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, theo từng cấp độ rủi ro, sát với tình hình thực tế; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc; tăng cường năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác PCTT; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ khắc phục hậu quả, ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cần nghiên cứu, phát huy vai trò tổ COVID cộng đồng tham gia công tác PCTT…

Dự báo, từ nay đến cuối năm còn khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, khu vực Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn. Từ tháng 10-12/2021, dự báo tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh cao hơn từ 15-40% so với cùng thời kỳ, vùng ven biển từ 1.000-1.500mm, vùng núi từ 1.500-1.800mm. Từ cuối tháng 9-12/2021, các sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ đạt mức báo động II-III, có sông trên báo động III.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên Trần Công Danh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/264841/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai.html