Chủ động ứng phó với thiên tai

Bước vào mùa mưa bão cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang diễn ra phức tạp, gây nên thời tiết cực đoan, rất khó dự báo, thiệt hại xảy ra khó lường. Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác chỉ đạo điều hành và đôn đốc việc chủ động trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn.

Kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đê Bình Minh 4 trước mùa mưa bão năm 2022. Ảnh: Anh Tuấn

Kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đê Bình Minh 4 trước mùa mưa bão năm 2022. Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên (P.V): Ninh Bình có địa hình phức tạp, vùng đồi núi, chiêm trũng và miền biển hàng năm luôn chịu ảnh hưởng về thiên tai, xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác PCTT&TKCN năm 2022?

Đ/c Nguyễn Thanh Bình: Những năm gần đây mặc dù đã được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh trong công tác PCTT nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn còn có các khó khăn, thách thức. Chất lượng công tác dự báo, cảnh báo chưa cao, nhiều khi tạo ra tâm lý chủ quan lơ là trong công tác PCTT của người dân.

Công tác tuyên truyền giáo dục về PCTT & TKCN chưa thành hệ thống, một số người dân chưa nhận thức được hết hậu quả, thảm họa do thiên tai gây ra để chủ động phòng tránh.

Công tác dự phòng vật tư, trang thiết bị phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ yêu cầu "4 tại chỗ" còn thiếu so với nhu cầu thực tế; gây khó khăn cho huy động lực lượng, đảm bảo thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống thiên tai bão lũ xảy ra.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã còn mỏng, thiếu về trang bị, công cụ cần thiết để đảm bảo hiệu quả, an toàn khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

P.V: Đồng chí cho biết một số giải pháp được các địa phương, đơn vị đã và đang triển khai trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai?

Đ/c Nguyễn Thanh Bình: Để đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình PCTT trong mùa mưa bão năm 2022, ngay từ đầu năm Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức đánh giá hiện trạng các công trình PCTT như đê, kè, cống, hồ, đập, trạm bơm nhằm phát hiện các hư hỏng, xuống cấp để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn.

Các địa phương, các cấp, các ngành cũng đã tiến hành tổng kết công tác PCTT&TKCN nhằm đánh giá thuận lợi, khó khăn, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các Đoàn đi kiểm tra các công trình trọng điểm PCTT năm 2022 tại các huyện, thành phố để xử lý, khắc phục ngay các công trình có nguy cơ mất an toàn nhằm đưa vào phục vụ ngay trong mùa mưa bão năm 2022.

Đặc biệt, trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cấp, các ngành địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đảm bảo an toàn, chất lượng các công trình PCTT. Cụ thể như, tuyến đê biển Bình Minh 4 - đây là công trình do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng, trong đó vốn từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng và địa phương 80 tỷ đồng. Tuyến đê Bình Minh 4 được triển khai đoạn từ cửa sông Đáy đến đường ra Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Nổi có chiều dài hơn 17 km.

Dự án xây dựng tuyến đê biển Bình Minh 4 được triển khai có ý nghĩa rất lớn, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ bảo vệ vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh 3 và quy hoạch thành khu nuôi, trồng thủy sản tập trung, mở rộng không gian, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác giãn dân, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ an toàn cho nhân dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu phía trong đê; phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ đê điều khi có sự cố.

P.V: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành, địa phương và người dân thế nào?

Đ/c Nguyễn Thanh Bình: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị.

Cụ thể như: tăng cường hoạt động đội xung kích PCTT tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Thông tin truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCTT.

Các địa phương cần chuẩn bị tốt công tác "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai các phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, phương án bảo vệ trọng điểm khi có thiên tai xảy ra.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình PCTT phát hiện kịp thời sự cố công trình để xử lý. Cắm biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm. Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các công trình trọng điểm, lắp đặt hệ thống đo mưa tự động, hệ thống báo mực nước tự động tại các hồ chứa để phục vụ cho công tác quản lý.

Các cấp, các ngành đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; xây dựng phương án ứng phó cấp độ rủi ro thiên tai; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành PCTT; bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai…

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Đường (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai/d20220520084342426.htm