Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp

Trong nửa đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn kéo dài kèm theo thiên tai, dịch bệnh tàn phá các loại cây trồng, vật nuôi, tài sản của người dân. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng chủ động phòng, thích ứng để giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh gieo trồng 3.704 ha lúa xuân, 24.940 ha ngô, 5.172 ha thuốc lá, 350,5 ha đỗ tương... Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 123.865,29 tấn. Các cây trồng khác như: lạc, khoai tây, mía, sắn, dong riềng, thạch đen, cỏ chăn nuôi, gừng trâu được trồng đúng tiến độ, đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng. Chăn nuôi tiếp tục được duy trì với tổng đàn trâu hơn 106.000 con, đàn bò gần 102.000 con, đàn lợn hơn 339.000 con, đàn gia cầm trên 3 triệu con.

Bên cạnh kết quả đạt được, năm nay, sản xuất nông nghiệp tiếp tục chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại. Hiện nay, có trên 163 ha lúa xuân bị nhiễm ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng; gần 163 ha ngô bị sâu keo mùa thu, bệnh khô vằn. Đặc biệt năm nay, sự xuất hiện trở lại dịch châu chấu tre với mật độ khá lớn đã làm 571,2 ha cây trồng bị nhiễm bệnh. Mưa lũ lớn làm cho hơn 61,3 ha lúa bị cuốn trôi, bồi lấp, ngập nước; 1.814 ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại; hơn 333 ha cây trồng hằng năm, 32 ha cây trồng lâu năm bị đổ, gãy, sạt lở, vùi lấp. 0,32 ha đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở; 105 con gia súc, vật nuôi bị chết, cuốn trôi và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, mất trắng.

Tiếp tục phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh Newcastle, Lepto và các dịch bệnh khác. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát sinh 8 ổ dịch mới và phát sinh rải rác tại các địa bàn đã làm mắc và tiêu hủy 315 con lợn, trọng lượng hơn 12 tấn của 45 hộ chăn nuôi tại 21 thôn, xóm thuộc 11 xã của 6 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An, Quảng Hòa, Hà Quảng, Trùng Khánh. Để khống chế, kiểm soát các dịch bệnh phát sinh lây lan, toàn tỉnh tiêm gần 670.000 liều vắc xin các loại.

Chị Mã Thị Thảo, xóm 5 Bế Triều, thị trấn Nước Hai (Hòa An) chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, cuối năm 2023 được hưởng hỗ trợ chăn nuôi lợn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, trong tháng 6 vừa qua, gia đình tôi buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nái, gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế. Hiện gia đình tôi chưa dám tái đàn chăn nuôi trở lại vì lo ngại tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; khu vực chuồng chăn nuôi còn tồn dư các mầm bệnh.

Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, vụ đông xuân năm nay, huyện Hòa An gieo trồng 1.165 ha lúa xuân, 1.172 ha ngô, 1.667 ha thuốc lá, gần 50 ha khoai tây và hơn 500 ha cây trồng khác. Chăn nuôi hơn 16.000 con trâu bò, hơn 40.000 con lợn, gần 400.000 con gia cầm. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ước đạt 51,87 triệu đồng/ha.

Người dân thị trấn Nước Hai (Hòa An) rắc vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng chăn nuôi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Người dân thị trấn Nước Hai (Hòa An) rắc vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng chăn nuôi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hòa An Lý Thị Thủy cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện dịch châu chấu tre phát sinh mạnh và gây hại mạnh trên rừng vầu, cây trồng, đặc biệt tại xã Lê Chung, Bạch Đằng. Qua thống kê, rà soát, toàn huyện có trên 306 ha cây trồng bị nhiễm dịch. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng 744 lọ thuốc trừ sâu cho các xã phun phòng trừ châu chấu gây hại. Phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng 68.292 liều vắc xin phòng, chống dịch tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi và 1 số dịch bệnh khác cho đàn gia súc, gia cầm.

Hiện nay, nông dân các địa phương đang tập trung thu hoạch cây trồng vụ xuân, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ hè thu. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Đoàn Thị Thuấn khuyến cáo: Đối với lúa, người dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động lực lượng lao động, phương tiện khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín để tránh thiệt hại do mưa, lũ, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa. Tập trung gieo trồng các cây trồng đảm bảo khung thời vụ, đối với cây lúa nếu cấy muộn sẽ gặp rét cuối vụ ảnh hưởng tới năng suất cũng như tiến độ sản xuất cây trồng vụ đông. Chủ động chuyển đổi những diện tích lúa thường xuyên bị ngập úng hay hạn hán sang cây trồng khác phù hợp với điều kiện thời tiết và tình hình của địa phương. Tích cực chăm sóc, bón phân cân đối, không bón thừa đạm, cần chủ động thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vị khuẩn… phát sinh sau những ngày mưa bão gây trên lúa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương cần chủ động tổ chức, thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2/2024. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhất là khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng vắc xin theo quy trình. Tái đàn, tăng đàn theo hướng bền vững; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá các cơ sở đăng ký an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2024, Sở tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai. Chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng hóa có thể mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất canh tác. Chú trọng đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả, có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi, sâu, bệnh hại để phát triển chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển các loại cây ăn quả, cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao của địa phương... Trong chăn nuôi, đi đôi với công tác chuyển đổi cơ cấu cần tuyên truyền, khuyến khích người dân tập trung di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; thay đổi tư duy, tập quán truyền thống sang chăn nuôi tập trung hàng hóa theo hướng an toàn sinh học, làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin, kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm...

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-dich-benh-trong-san-xuat-nong-nghiep-3170777.html