Chủ động ứng phó với triều cường kết hợp với lũ trên sông Hậu

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường kết hợp lũ trên sông Hậu gây ngập lụt tại các địa phương trong tỉnh.

Cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống thiên tai sát tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, đảm bảo ngăn lũ triệt để, kiểm tra tình trạng đê bao, bờ bao, xác định vị trí xung yếu và đề xuất biện pháp khắc phục.

Các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để chủ động biện pháp phòng tránh. Bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát phương án ứng phó phù hợp tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương; xác định vị trí xung yếu trên tuyến đê bao, bờ bao; tuần tra, canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện (cừ tràm, bao tải cát...) sẵn sàng xử lý ngay khi có tình huống xấu.

Các đơn vị chủ động phương án phòng, chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, vùng sản xuất cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản; vận động người dân thu hoạch diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

Theo dự báo, từ ngày 11/10 đến ngày 31/10 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ một đến hai cơn bão, ấp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Hoàn lưu của bão, ấp thấp nhiệt đới gây dông, lốc và mưa lớn.

Do nhiễu động trên cao và hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 10 đến đầu tháng 11, tại tỉnh Hậu Giang xuất hiện hai đến ba đợt mưa lớn diện rộng; lượng mưa trung bình toàn tỉnh trong tháng 10 dao động từ 320 - 400 mm, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 100 mm. Do đó, triều cường kết hợp với mực nước lũ trên sông Hậu và có thể kết hợp mưa lớn tại chỗ trong tháng 10/2024 gây ngập lụt trên diện rộng.

Những ngày cuối tháng 9/2024, do mưa lớn tại chỗ kết hợp mực nước triều cường trên các sông, kênh, rạch và nội đồng địa bàn tỉnh Hậu Giang ở mức cao, trên báo động III là 0,15m, gây ngập lụt cục bộ vùng trũng, thấp, vùng thoát nước kém, vùng ngoài đê bao, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt gây ngập lụt cục bộ tại các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Phụng Hiệp.

Sông Hậu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/chu-dong-ung-pho-voi-trieu-cuong-ket-hop-voi-lu-tren-song-hau-20240930113814632.htm