'Chu du' thưởng thức món ngon ba miền
Nếu như những món ăn ở miền Bắc nhạt thanh, miền Trung đậm đà, thì ẩm thực miền Nam lại đem đến một sự kết hợp hài hòa từ đủ hương vị ngọt, béo, tươi, mát. Ngoài danh lam thắng cảnh, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã tới 'chu du' mảnh đất chữ S để thưởng thức các món ăn ngon 3 miền.
“Ăn Bắc mặc Kinh”
Ẩm thực là một nét tinh hoa đặc sắc trong văn hóa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực Việt Nam được đông đảo du khách quốc tế, các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao và luôn muốn tìm hiểu, khám phá.
Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, rất mực tinh tế và mang đặc trưng của từng vùng miền. Những yếu tố về thiên nhiên với đường bờ biển kéo dài, hay sự đa dạng trong văn hóa của 54 dân tộc anh em là điều kiện thuận lợi mang đến cho ẩm thực Việt Nam những nguyên liệu dồi dào, tươi ngon cùng nhiều món ăn đặc sắc.
Bắc bộ là nơi tổ tiên định cư lâu đời nên từ món ăn đến cái mặc đều được sàng lọc và trở thành chuẩn mực, không dễ gì thay đổi. Hà Nội được xem là nơi hội tụ đầy đủ các tinh hoa của ẩm thực miền Bắc với những món ngon Đông Bắc Bộ trứ danh. Ẩm thực đất Bắc in đậm cốt cách của một nền văn hóa lâu đời. Đến với điểm hẹn kinh đô, thực khách sẽ có cơ hội trải nghiệm những món ăn đặc trưng của đất bắc quyến rũ biết bao tín đồ yêu ẩm thực Việt Nam. Đặc trưng hương vị của những món ăn miền Bắc đó chính là hương vị vừa phải, không quá chua, không quá ngọt, không quá cay đề cao sự thanh tao, đạm bạc. Những món ăn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thực khách đầu tiên phải kể đến món phở. Đến Hà Nội để cảm nhận hồn đất, hồn người của xứ Kinh kỳ qua món phở truyền thống.
Chưa dừng lại ở đó ẩm thực miền Bắc còn nổi tiếng với nhiều món ăn trứ danh như: bún chả, bún ốc, bún đậu… cùng nhiều gia vị đặc trưng mắm tôm, tinh dầu cà cuống, rau húng... Bún đậu mắm tôm là món ăn dân dã đặc sản của miền Bắc. Bún đậu mắm tôm rất kén người ăn. Tuy nguyên liệu khá đơn giản, chỉ có bún tươi, đậu phụ rán, chả cốm, rau thơm nhưng ngon nhất là ăn bún đậu mắm tôm kèm nước chấm “mắm tôm” thần thánh. Chả cá Lã Vọng được làm từ cá Lăng tươi rói được chăm sóc tỉ mỉ, tẩm ướp gia vị cầu kì đậm hương vị truyền thống. Cá lăng là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm, nếu không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng.
Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt dê săn chắc hơn so với dê thả đồi. Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung... vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức. Bún cá Hải Phòng là một món ăn rất phổ biến do ở đây có sẵn nhiều loại cá tươi ngon để làm chả cá. Bún cá Hải Phòng là sự kết hợp nhuần nhuyễn hải sản và những sản vật từ đồng ruộng. Cá trong bát bún gồm: chả cá và cá rán xắt khúc. Chả cá phải được làm bằng cá thu, thịt cá được lọc ra giã nhuyễn với thì là, hạt tiêu, kèm một chút bột nghệ cho ngon mắt... Nước dùng phải được ninh bằng xương ống lợn với nước luộc xương cá biển mới ngọt và có mùi đặc trưng.
Đến với Hà Giang dù bất kỳ mùa nào trong năm cũng khó lòng bỏ qua một tô cháo ấu tẩu có vị đắng đặc trưng. Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn bạn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện. Bát cháo ấu tẩu như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc.
Ẩm thực miền Trung – Nam “ăn một miếng, say cả đời”
Nói đến ẩm thực miền Trung, trước hết là ẩm thực xứ Huế. Vốn là đất cố đô, Huế có cách thức mời thưởng thức món ăn rất đặc biệt và đa dạng. Các món ăn được bày từng món, với các loại mắm gia vị ăn kèm được dọn riêng, như cách dọn bữa của cung đình xưa. Người Huế tỏ ra rất sành điệu trong việc ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên liệu mà còn cầu kỳ từ việc chế biến cho đến cách bày biện trang trí và thưởng thức. Mỗi món ăn đều được nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và quyến rũ. Một bữa ăn của người Huế như hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành với sự hài hòa đến mức tự nhiên giữa tính chất, mùi vị, màu sắc của các món ăn.
Cơm hến, bún hến hay cháo hến, du khách chắc chắn phải thử một lần nếu đi du lịch Huế bởi đây là những món đặc sản của ẩm thực cố đô. Cơm hến gồm có cơm nguội trộn với hến xào với chút dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, tóp mỡ, đậu phộng nguyên hạt, rau thơm, giá đỗ… các nguyên liệu trong bát cơm hết đều để nguội chỉ trừ nước hến phải được giữ nóng sốt. Khi thưởng thức bạn chan nước hết vào cơm, đối với món bún hến thì nên ăn sẽ ngon hơn. Các món hến ở Huế thường ăn với ớt, nêm thật cay thì mới đúng hương vị.
Bánh bèo là món phổ biến ở các tỉnh thành miền Trung, miền Nam nước ta. Ở Huế bánh bèo cũng gồm bột gạo, nhân tôm xay nhuyễn và nước chấm. Tuy nhiên có chút khác biệt với nơi khác như bánh bèo Huế mỏng hơn, có bột tôm sấy, ăn cùng da heo chiên giòn và chủ yếu đúc bằng chén. Khi ăn bánh bèo Huế, du khách nên dùng thìa nêm nước chấm trước rồi xoay nạo bánh tròn một vòng chén thì bánh sẽ tróc ra vừa miệng ăn.
Quảng Nam có mỳ Quảng, là món ăn rất đặc trưng của vùng đất này, Mỳ Quảng sinh từ đất Quảng đúng như tên gọi. Đây là món đặc sản dùng để mời khách, để giới thiệu nét văn hóa của người dân đất Quảng. Tuy nước dùng không nhiều như nước phở Bắc nhưng lại rất ngọt và đậm đà.
Nói đến các món ăn ở phố cổ Hội An, không thể bỏ qua món Cao lầu. Cao lầu có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo và các loại rau sống. Cũng giống như món mỳ Quảng, Cao lầu được ăn với rất ít nước dùng. Một điểm đặc biệt của món Cao lầu đó là sợi mỳ có màu vàng ươm, do được trộn với tro củi tràm, được lấy từ mảnh đất Cù Lao Chàm.
Nếu như ẩm thực miền Bắc chú trọng sự tinh tế và cầu kỳ, miền Trung đậm đà hương vị thì văn hóa ẩm thực miền Nam mang nét chân chất, giản đơn rất riêng. Khi nhắc đến miền Nam thì người ta thường nghĩ đến câu “dưới sông có cá, trên bờ có rau”. Ở Nam Bộ nơi đâu cũng là những con sông đầy ắp phù sa, những kênh, rạch chằng chịt, không mùa nào không thiếu tôm, cá, cua và nhiều loài thủy sản phong phú…
Mỗi khi mùa nổi, người dân miền Nam lại có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon như lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, bún nước lèo, gỏi sầu đâu cá khô sặc.
Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp đặc sắc của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa còn non, thịt mềm ngọt, hầu như không có xương. Bông điên điển cũng vào mùa trổ bông, vàng ươm, giòn giòn, bùi bùi. Kết hợp vị ngọt từ cá linh và vị chua thanh, thơm giòn của bông điên điển tạo nên món canh, lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon khó cưỡng mà không nơi nào có được.
Nhắc đến ẩm thực Nam bộ mà không nhắc đến món hủ tiếu, đặc biệt là hủ tiếu thì quả là một điều thiếu sót. Nước lèo phải có vị ngọt được tạo nên từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng cùng một số nguyên liệu và gia vị đặc trưng. Một tô hủ tiếu đầy đủ gồm có hủ tiếu được hòa nước sôi vừa mềm thì trút ngay vào chiếc tô, cùng với rất nhiều nguyên liệu khác như giá, hẹ, sườn hoặc giò heo, bao tử, gan, mực non nướng, củ cải trắng, hành phi, củ hành tươi, cải bắc thảo, tiêu và sau cùng thì tưới lên một muôi nước lèo. Trước đây, hủ tiếu ngoài thịt, lòng non còn có con tôm chẻ đôi bày lên mặt tô trông rất bắt mắt, còn giờ đây một số quán đã thay tôm bằng miếng sườn hay cặp trứng cút.
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền Nam Bộ gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt. Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Nhưng điều đặc biệt là vật liệu thui cá nhất định phải là rơm thì thịt cá mới thơm và không bị hôi khói. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng thơm phức. Xẻ dọc cá lấy bộ lòng, cho vào bát nước mắm tỏi, me, ớt để làm nước chấm, tất cả đem đến một hương vị đồng quê khó mà cưỡng lại được. Ngoài ra còn có các món: Lẩu mắm, Bánh canh Trảng Bàng, Bánh cống đầy hấp dẫn…
… Những món ăn ẩm thực Việt Nam còn là sự kết hợp giữa nguyên liệu và gia vị một cách linh hoạt thuận theo nguyên lý “âm dương - ngũ hành” nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo tiêu chuẩn mỹ học của người Việt, truyền tải trọn vẹn mọi sắc độ phong phú của hương vị tự nhiên, vừa cân bằng giá trị dinh dưỡng trong cơ thể và trình bày món ăn đầy tinh tế nghệ thuật.