Chu Gia Trác Mộc và câu chuyện 'tái sinh' gỗ lũa
Trong thời gian 7 tháng, từ tháng 1 - 8/2025, Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc sẽ thực hiện một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt trên gỗ lũa với chủ đề kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890- 19/5/2025); 80 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2025).
Những ý kiến tâm huyết cho tác phẩm nghệ thuật đặc biệt
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa” tổ chức cuối tuần qua tại Chu Gia Trang (Thạch Thất - Hà Nội) với sự tham gia của gần 100 đại biểu, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân điêu khắc, đại diện doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có niềm đam mê gỗ lũa và điêu khắc gỗ lũa, ông Chu Văn Ân - nhà sáng lập thương hiệu Chu Gia Trác Mộc chia sẻ: “Trong buổi Tọa đàm đầu tiên được tổ chức ngày hôm nay, chúng tôi muốn thống nhất ý tưởng, sơ lược phác thảo mô hình, hoạch định quy trình sáng tạo,… hướng đến mục tiêu tạo nên một phiên bản trác tuyệt trên gỗ lũa. Với yêu cầu thể hiện độc bản, Chu Gia Trác Mộc kỳ vọng tác phẩm sẽ vừa có tính thẩm mỹ, vừa đề cao yếu tố giáo dục, vừa đảm bảo mang bản sắc riêng trong việc sáng tạo và kiên trì theo đuổi thế giới quan nghệ thuật riêng có của các nghệ nhân xứ Đoài”.
Về nội dung tác phẩm, ông Chu Văn Ân đề xuất: bố cục chính của tác phẩm - hòn non bộ (kích thước 8m x 2m x 3,8m) được chia làm 2 khối. Khối 1: phần đế, chậu chứa nước, hình dáng là con thuyền lớn. Khối 2: phần thân, thể hiện có núi, nước, cây cối, phần đất canh tác (Tam sơn Tứ hải nhất phần điền). Tác phẩm có 2 mặt chính. Mặt A: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và hành trình Người đi tìm đường cứu nước, đến khi người đọc Tuyên ngôn Độc lập. Mặt B: nơi hội tụ bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, thể hiện ba miền, nói về phong phong tục tập quán (54 dân tộc cùng chung một con thuyền),...
Khẳng định kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN là sự kiện có giá trị, vị trí, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn; giúp bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam, đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ rất lớn là làm sao để cho giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Người được lan tỏa rộng rãi theo cách thức “nhìn tác phẩm, cảm nội dung”. Ông Chu Văn Ân cho biết, truyền tải được những nội dung quan trọng này trên chất liệu gỗ lũa là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng vô cùng ý nghĩa đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc. Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành tác phẩm bằng 100% sức lực và sự cố gắng của mình.
Sau khi nghe ý tưởng của người sáng lập thương hiệu Chu Gia Trác Mộc, đã có rất nhiều những ý kiến sắc sảo, sôi nổi và đầy trí tuệ tới từ các chuyên gia, khách mời. PGS.TS Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết ông đánh giá cao ý tưởng hình thành tác phẩm của nhà sáng lập Chu Gia Trác Mộc, nhưng lưu ý khi thực hiện tác phẩm, xem xét lấy chủ đề đất nước làm trục chính. Trong trục chính đó sẽ có hình ảnh Bác - bởi lịch sử Việt Nam luôn gắn liền với Bác, luôn có dấu ấn đậm nét về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Bên cạnh đó, ý tưởng về 54 dân tộc anh em, khi trình bày trên tác phẩm, không nhất thiết phải thể hiện đồng bộ trên một hình khối, mà có thể đan xen, để thể hiện mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
GS.TS Phạm Văn Chương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ rất cao đối với chủ đề chính của tác phẩm là khắc họa dấu ấn Ngày thành lập nước và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để truyền tải chủ đề này vào gỗ lũa không hề đơn giản. GS.TS Phạm Văn Chương lưu ý việc bản chất của gỗ lũa rất cứng, từng nhát dao, đường khắc của nghệ nhân cần có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ gọt giũa, quan trọng là phải giữ được đường nét tự nhiên của cây gỗ. Cần lưu ý đến việc bảo tồn nguyên trạng gỗ lũa, hạn chế đắp thêm, cắt đi,... để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, sáng tác nghệ thuật phải trên cơ sở tôn trọng cái có sẵn.
Bà Phạm Quỳnh Dương - Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục UNIschool cho rằng: “Việc tạo nên một tác phẩm như vậy thật sự có ý nghĩa. Với tác phẩm này cần phải viết cho nó một câu chuyện, một câu chuyện không chỉ gắn với chiều dài lịch sử, mà còn có cả không gian, chiều rộng của cả dân tộc”. Trong khi đó, Nhà điêu khắc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Thanh Trúc mong muốn tác phẩm sẽ được bố cục như dòng chảy lịch sử, mang tính giáo dục sâu sắc cho thế hệ sau. Từ tác phẩm đó, người xem có thể hiểu được câu chuyện về sự hình thành và phát triển của đất nước trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Thổi hồn vào những gốc lũa
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Chu Văn Ân - nhà sáng lập Chu Gia Trác Mộc cho biết, trên vùng đất Tây Nguyên khắc nghiệt, gỗ lũa được hình thành từ những gốc cây cổ thụ, trải qua hàng nghìn năm giữa thiên nhiên bào mòn và biến đổi. Những gốc cây ấy, sau khi thân đã bị cắt đi, vẫn bám rễ sâu vào lòng đất, sông suối đại ngàn, vượt qua thử thách của mưa gió và dòng chảy, để rồi dần hóa thành những khối gỗ lũa cứng cáp, mang vẻ đẹp kỳ diệu, trầm mặc mà tự nhiên. Mỗi khối gỗ là một chứng nhân của lịch sử, mang theo sức sống, ký ức của cả một vùng đất. Chính vì thế gỗ lũa là dấu ấn của sự sống bền bỉ và khả năng trường tồn của tạo hóa. Khi về đến tay các nghệ nhân của Chu Gia Trác Mộc, từng khối gỗ lại được nâng niu, trân trọng như một kho báu. Đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân không chỉ chạm khắc mà còn thổi vào đó hơi thở của cuộc sống mới, giữ lại những gì nguyên bản nhất và tôn lên vẻ đẹp sẵn có của gỗ. Từng tác phẩm là một sự giao hòa, giữa nguyên sơ và hiện đại, giữa thiên nhiên và cuộc sống con người.
Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc sẽ thực hiện thêm nhiều buổi Tọa đàm, mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân điêu khắc gỗ,… để chúng tôi có thể hoàn thành tác phẩm đúng thời gian hoạch định, để gỗ lũa được hồi sinh, để các nghệ nhân Chu Gia Trác Mộc tôn vinh vẻ đẹp bền vững và chạm khắc ương lai cùng gỗ lũa”
Nhà sáng lập thương hiệu Chu Gia Trác Mộc Chu Văn Ân.
Trong nhiều năm qua, các nghệ nhân của Chu Gia Trác Mộc đã kiên trì và bền bỉ thổi hồn vào những gốc lũa, tái sinh, biến chúng thành những tác phẩm đẹp, mang đậm dấu ấn triết lý nhân sinh. Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo, nghệ nhân Chu Gia Trác Mộc đã tạo nên những tác phẩm thấm đẫm chất nghệ thuật; nâng niu, gìn giữ giá trị và vẻ đẹp vượt thời gian của gỗ lũa. Chu Gia Trác Mộc tự hào về hành trình mang gỗ lũa từ thế giới của thiên nhiên hoang dã gia nhập vào cuộc sống tinh thần của con người. “ Chúng tôi tự hào về những tác phẩm mà mình sáng tạo, như: “Đức Phật ngự liên hoa”, “Đức mẹ Maria về trời”, “Thần trà gỗ lũa”, “Đấng chăn chiên nhân lành”; hay những tác phẩm non bộ: “Đồng quê Bắc bộ”, “Miền núi Tây Bắc”, “Quần ngư hý liên hoa”,… Đây là những tác phẩm kết hợp tinh tế giữa trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân xứ Đoài - Chu Gia Trác Mộc” – ông Chu Văn Ân chia sẻ.
Tin tưởng rằng, nét độc đáo không có phiên bản của tác phẩm điêu khắc gỗ lũa đặc biệt nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mà Chu Gia Trác Mộc ấp ủ thực hiện, sẽ là phiên bản đầy trí tuệ và thấm đẫm chất nghệ thuật. Tác phẩm sẽ được hoàn thành đúng thời hạn, được các chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao và trở thành tác phẩm tiêu biểu mang đậm dấu ấn Chu Gia Trác Mộc, hướng tới việc xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chu-gia-trac-moc-va-cau-chuyen-tai-sinh-go-lua.html