Chủ khách sạn ốm người, bạc tóc vì 'ôm' món hàng ế nhất trên thị trường bất động sản

Nhiều khách sạn từ tầm trung đến cao cấp ở các thành phố lớn hoặc thành phố du lịch biển khi được mang ra rao bán đều trong tình trạng khó tìm được khách mua, nằm im trong cả một thời gian dài.

Du lịch phục hồi, người kinh doanh khách sạn vẫn gặp khó

Giới môi giới bất động sản gắn bó lâu năm với nghề vốn luôn rất thuộc bảng hàng, dù bảng hàng của môi giới luôn có sẵn đến cả vài trăm căn nhà bán thuộc đủ phân khúc, đủ loại giá. Những mặt hàng rao bán đến vài năm, thỉnh thoảng được nhắc tới gọi là "hàng khó trôi", và mặt hàng đang khó trôi nhất, ế nhất trên thị trường bất động sản trong 2 năm trở lại đây kể từ sau dịch là các khách sạn.

Đa số khách sạn đều nằm ở phân khúc bất động sản cao cấp, có giá trị lớn, bởi khách sạn luôn có diện tích lớn, vị trí đẹp, đã xây dựng đẹp. Các khách sạn đã đưa vào khai thác, vận hành, đã có lượng khách nhất định thì sẵn dòng tiền, tiền đầu tư là sinh lời nhìn thấy rõ ngay. Chính bởi vậy, tuy rất đắt giá, khách sạn vốn là "món hàng" yêu thích cho các chủ đầu tư tay to trong thời gian trước.

Những khách sạn trăm tỉ được rao bán

Những khách sạn trăm tỉ được rao bán

Thời gian trước dịch, khi du lịch bùng nổ, khách sạn là mặt hàng đặc biệt, rất khó mua, ít giao dịch mua bán. Khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM được rao bán không nhiều do đã thuộc sở hữu của các chủ có sự ổn định về tài chính, và cũng ổn định về mặt kinh doanh, vận hành, dòng tiền. Khách sạn tại các thành phố du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng là mặt hàng "hot", là sở thích đầu tư của nhiều nhà đầu tư Hà Nội.

Môi giới bất động sản luôn có "thổ địa", muốn biết các nhà đầu tư của Hà Nội đầu tư "ác liệt" như thế nào thì chỉ cần gặp môi giới đúng nơi đó là được.

Thời gian trước dịch, gặp Phong - một môi giới chuyên nhà đất tại Đà Nẵng và Hội An trong một quán café tại khu Hồ Nghinh, Phong cho biết: "Từ đầu phố đến cuối phố này, chủ khách sạn toàn người Hà Nội vào mua và đầu tư, ngay cả quán café mình đang ngồi đây, chủ cũng là người Hà Nội. Đất ở đây chia theo lô, lô bé cỡ 30 tỉ, vừa có một chủ đầu tư ở Hà Nội vào mua liền 2 lô để xây khách sạn".

Phong cũng tiết lộ: "Riêng về đầu tư khách sạn tư nhân thì số lượng nhà đầu tư là nữ nhiều hơn nam. Các chị em thích mua và kinh doanh khách sạn, một phần đến từ việc sở hữu khách sạn là khoản đầu tư rất lớn ban đầu, nhưng an toàn, ổn định, lợi nhuận lâu dài, sau này con cháu kinh doanh tiếp".

Một khách sạn ở khu Hồ Nghinh - Đà Nẵng, nhiều khách sạn khu này thuộc sở hữu của nhà đầu tư Hà Nội.

Một khách sạn ở khu Hồ Nghinh - Đà Nẵng, nhiều khách sạn khu này thuộc sở hữu của nhà đầu tư Hà Nội.

Dịch Covid-19 xảy ra, du lịch bị "đánh tan tác", sụt giảm nghiêm trọng, trong đó các khách sạn bị ảnh hưởng nặng, nhìn thấy rõ và cảm nhận thấy rõ được. "Doanh thu trở về 0 chỉ sau một đêm" là lời của một chủ khách sạn. Sau dịch, mọi thứ dần phục hồi nhưng doanh thu của các khách sạn vẫn chưa đủ bù chi phí hoạt động chứ chưa tính đến tiền lãi trả ngân hàng.

Chị Vân - một chủ kinh doanh khách sạn như rơi nước mắt chia sẻ về quãng thời gian đã qua: "Cuộc đời làm kinh doanh của tôi chưa bao giờ trải qua khó khăn lớn đến thế, như một cơn ác mộng. Hai khách sạn, một nhà hàng đều hoạt động tốt tại Hà Nội. Nhà chị quyết định đầu tư vào mua một khách sạn ở Đà Nẵng. Đùng cái dịch, tôi nghĩ mọi khó khăn cũng phải qua thôi, nhưng giờ vẫn chưa thể phục hồi lại được. Khách sạn ở Hà Nội, sau đợt dịch qua đi, nhìn thấy đoàn khách nước ngoài đầu tiên trở lại, vào check-in lấy phòng tôi mừng rơi nước mắt. Khách sạn ở Đà Nẵng, không kham nổi nữa, kinh doanh cầm chừng rồi rao bán, mà giờ đã giảm giá 2 lần vẫn chưa bán được. Tôi đã định cố nhưng nghĩ đến tiền trả lãi ngân hàng mà ốm cả người, bạc cả tóc".

Khách sạn xịn giảm giá cả chục tỉ vẫn không thể bán

Theo thống kê, khách du lịch năm 2021 tại Đà Nẵng chỉ khoảng 1 triệu lượt khách. Thời điểm đó, hàng loạt nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến cao cấp tại Đà Nẵng đóng cửa. Năm 2022, sau dịch, du lịch phục hồi với việc Đà Nẵng đón lượng khách ước đạt 3,69 triệu lượt.

Với Nha Trang, số lượng khách du lịch năm 2022 là khoảng 1,2 triệu lượt khách. Số lượng khách du lịch trong thời gian sau dịch vẫn chủ yếu là khách nội địa. Nha Trang vốn là địa điểm yêu thích của khách Trung Quốc và Nga, và 2 lượng khách này vẫn chưa thể nhiều bằng thời gian trước.

Những tin rao chuyển nhượng khách sạn như này nằm rất lâu, bởi chưa tìm được khách mua

Những tin rao chuyển nhượng khách sạn như này nằm rất lâu, bởi chưa tìm được khách mua

Theo thống kê của Công ty tuyển dụng Navigos Search, từ năm 2022 sang đến đầu năm 2023, ngành nghề cắt giảm nhân sự lẫn suy giảm nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là ngành Du lịch, tụt giảm tới 43%.

Một hướng dẫn dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng chia sẻ: "Để thấy được khó khăn hiện vẫn còn nhiều của ngành Du lịch thì cứ đến tận nơi sẽ rõ. Nếu như trước đây, buổi tối cứ ra phố cổ Hội An dạo chơi dễ dàng thấy khách Hàn Quốc, nhiều người bán rong còn biết vài câu chào tiếng Hàn, thì nay vắng hơn. Một số nhà hàng hải sản trước kia đông nghịt khách Trung Quốc, thì nay chủ yếu là khách nội địa, Mà khách trong nước thì chỉ đông lên vào dịp hè hay lễ Tết, còn lại hắt hiu lắm". Khu phố Tây tại Nha Trang - nơi vốn tập trung đông khách du lịch nước ngoài cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hết cảnh vắng lặng.

Nhiều khách sạn đóng cửa, hoặc mở cửa nhưng hoạt động vẫn còn khó khăn

Nhiều khách sạn đóng cửa, hoặc mở cửa nhưng hoạt động vẫn còn khó khăn

Chính bởi những lý do đó, trên thị trường bất động sản 2 năm qua, món hàng "ế" nhất và giảm giá nhiều nhất là khách sạn. Thời điểm cực thịnh của ngành này những năm 2017-2019, người có tiền muốn đầu tư khó mua được khách sạn ưng ý. Nhưng thời điểm hiện tại, trên các trang mua bán bất động sản, khi gõ tìm bất động sản ở Nha Trang hoặc Đà Nẵng, những khách sạn giá từ vài chục đến vài trăm tỉ rao bán khá nhiều, và rao bán trong thời gian rất dài vẫn chưa tìm được khách mua.

Những khách sạn này nằm im trong bảng hàng của dân môi giới bất động sản đến cả năm trời, và dân môi giới là những người nắm rõ nhất việc nhiều khách sạn đã giảm giá đến vài lần, giảm giá sâu đến vài chục tỉ.

Một khách sạn hơn trăm phòng ở phố cổ Hà Nội được rao bán, những "siêu phẩm bất động sản" có giá trị lớn rất khó bán ở thời điểm này.

Một khách sạn hơn trăm phòng ở phố cổ Hà Nội được rao bán, những "siêu phẩm bất động sản" có giá trị lớn rất khó bán ở thời điểm này.

Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác, khi giá xuống sẽ là lúc để nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính xuống tiền, nhưng những phi vụ mua bán thành công này có tần số xuất hiện rất hiếm hoi. Chị Thủy - một người đứng sau nhưng là chủ thực sự của một tập đoàn đa ngành, trong đó có kinh doanh khách sạn đã mua liền lúc 2 khách sạn, một tại Hà Nội và một tại Đà Nẵng. Khách sạn tại Đà Nẵng rao giá bán ban đầu là 130 tỉ, nhưng sau đó nửa năm, giá chốt và về tay nữ nhà đầu tư này là 85 tỉ. Với khách sạn tại Hà Nội, quyết định mua của nhà đầu tư này cũng đến từ việc giá giảm sâu.

Tình hình kinh doanh của khách sạn này không mấy khả quan, chỉ khoảng 20 - 30% số phòng có khách, buộc phải sửa lại toàn bộ rồi cải tiến khâu vận hành mới có thể hoạt động tốt. Ngồi với nữ doanh nhân này trên quán café tầng thượng khách sạn, vắng tanh không có khách nào. "Cứ mua để đấy đã, không lo. Còn giờ đầu tư vào, nâng cấp lên, là ổn thôi. Du lịch vẫn còn chưa hết khó, nhưng đà phục hồi rất mạnh mẽ, và giờ khách hàng cần những trải nghiệm dịch vụ cao cấp", chị Thủy kết luận.

Cứ "sẵn tiền mặt", không bị quá áp lực trả nợ ngân hàng khi kinh doanh, "ăn chắc" không phiêu lưu là kiểu đầu tư vẫn thường thấy của những "nữ đại gia tay to" nhiều kinh nghiệm trong bất động sản.

Những khách sạn - khối tài sản tiền tỉ hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa để rao bán, bán mãi chưa có ai mua, cũng là 1 sự lãng phí lớn.

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chu-khach-san-om-nguoi-bac-toc-vi-om-mon-hang-e-nhat-tren-thi-truong-bat-dong-san-20230611223909888.htm