Chu kỳ mới của bóng đá Việt Nam

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn nhận định, năm 2023 có thể xem là năm 'bản lề', mở ra giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam - một chu kỳ với rất nhiều thách thức và cơ hội để phát triển.

* Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tầm nhìn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong năm 2023 về sự phát triển của bóng đá Việt Nam, mục tiêu đối với đội tuyển nam và nữ?

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Có thể nói, bóng đá Việt Nam vừa trải qua một chu kỳ hết sức thành công với những thành tích mang tính lịch sử. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là chiến công của đội tuyển nữ khi xuất sắc lần đầu tiên giành vé trực tiếp tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Bên cạnh đó, đội tuyển nam lần đầu tiên góp mặt tại Vòng loại cuối FIFA World Cup Qatar 2022 cũng đã tạo nên dấu ấn lớn và được đánh giá là bước tiến đột phá của bóng đá Việt Nam trong hành trình hướng tới giấc mơ World Cup.

Thông thường sau mỗi một chu kỳ phát triển, chúng ta sẽ lại đối diện với một chu kỳ thay đổi mới với những thử thách lớn hơn, với những yêu cầu và đòi hỏi cao hơn. Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển và cũng là động lực để chúng ta phấn đấu vượt qua những khó khăn của giai đoạn chuyển giao, trong đó năm 2023 có thể xem là năm bản lề mở ra giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam.

Về tầm nhìn, VFF sẽ tiếp tục kiên trì với định hướng về phát triển bóng đá trẻ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng các giải bóng đá quốc gia, bảo đảm sự ổn định về nguồn tài chính cho các hoạt động bóng đá, đặc biệt là nguồn lực dành cho các đội tuyển với sự đầu tư có trọng điểm về hoạt động chuyên môn, đội ngũ chuyên gia và các chương trình tập huấn nâng cao nói riêng và cho các hoạt động bóng đá khác nói chung. Đây là các yếu tố mang tính cốt lõi đối với sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam như tinh thần của Đại hội VFF khóa IX đã được tổ chức rất thành công hồi tháng 11 năm ngoái.

Về chỉ tiêu cụ thể đối với từng đội tuyển quốc gia đã được Đại hội thông qua, chúng ta sẽ cố gắng để các đội tuyển trẻ từ U17 đến U23 tiếp tục thường xuyên tham dự Vòng chung kết các giải trẻ châu Á, phấn đấu cạnh tranh suất dự World Cup U17, U20; Xây dựng lộ trình đến năm 2030 đưa đội tuyển nam lọt vào Top 10 châu Á và hướng đến tham dự World Cup trong thời gian sớm nhất, khi số lượng đội bóng vào Vòng chung kết được gia tăng từ 32 lên 48 đội.

Đội tuyển nữ cũng sẽ nỗ lực để lọt vào Top 6 châu Á và chuẩn bị thật tốt để thi đấu đạt hiệu quả cao nhất tại Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho bước phát triển mới của bóng đá nữ Việt Nam; Đội tuyển futsal sẽ phấn đấu cạnh tranh suất tham dự Vòng chung kết futsal World Cup 2024. Bên cạnh đó, VFF cũng sẽ nỗ lực hết sức để giúp đội tuyển nam, nữ hướng tới thứ hạng cao nhất tại đấu trường khu vực và các kỳ SEA Games trong giai đoạn tới.

* Phóng viên: Theo đánh giá của ông, những yếu tố nào đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ những năm qua?

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Một trong những yếu tố cốt lõi giúp bóng đá Việt Nam có bước tiến rất mạnh mẽ những năm qua là chúng ta đã kiên trì bám sát định hướng phát triển được đặt ra xuyên suốt các nhiệm kỳ của VFF.

Đó là đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, cùng với đó là sự đầu tư quyết liệt để nâng cao thành tích thi đấu cho các đội tuyển trẻ, làm sao để có thể thường xuyên tham dự Vòng chung kết các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho các cầu thủ.

Điều này đã được khẳng định từ năm 2015 khi chúng ta củng cố nền tảng của hệ thống đào tạo trẻ, tập trung đầu tư có trọng điểm cho các đội tuyển trẻ và thường xuyên giành vé tham dự Vòng chung kết châu Á, đặc biệt là thành tích đoạt ngôi Á quân tại giải U23 châu Á – Thường Châu 2018 đã tạo động lực rất lớn cho thành công của bóng đá Việt Nam những năm sau đó.

Năm 2022 vừa qua, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có 3 đội trẻ lọt vào Vòng chung kết châu Á. Đây là một tín hiệu và là sự khẳng định đối với sự kiên trì trong định hướng của VFF. Bởi với những thành tích như vậy, các đội trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu với những đội trẻ hàng đầu châu lục, từ đấy sẽ tạo nên nền tảng rất vững chắc ít nhất cho chu kỳ vài năm tới đây.

* Phóng viên: Chúng ta còn những điểm yếu nào cần khắc phục thưa ông? VFF cần những hỗ trợ như thế nào để có thể tiếp tục mang về thành công cho bóng đá Việt Nam?

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, có thể thấy bóng đá Việt Nam đã và đang có sự tiếp cận rất tốt với sự phát triển chung của bóng đá châu Á. Tuy nhiên, qua thực tế thành tích thi đấu của đội tuyển Việt Nam trong lần đầu tiên tham dự Vòng loại cuối FIFA World Cup Qatar 2022 thì chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để thu hẹp hơn nữa khoảng cách về trình độ so với nhóm các quốc gia hàng đầu của châu Á.

Đây là khó khăn và thách thức rất lớn đối với VFF trong giai đoạn tới, đòi hỏi phải huy động thật tốt các nguồn lực để đầu tư có chiều sâu cho các hoạt động phát triển bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ và bóng đá chuyên nghiệp, cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cho các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, cho hoạt động tập huấn của các đội tuyển.

Ở tầm vĩ mô, VFF hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các cơ chế, chính sách đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất các sân vận động tại các địa phương trong cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu về tập luyện, tổ chức và thi đấu bóng đá.

Bên cạnh đấy là cơ chế để đẩy mạnh phát triển bóng đá học đường tại các tỉnh thành, xây dựng các dự án, chương trình trọng điểm để đưa bóng đá và futsal vào trường học dưới hình thức các tiết học tự chọn, đồng thời tổ chức các giải bóng đá trong hệ thống trường học phổ thông để hỗ trợ các câu lạc bộ tuyển chọn và tìm kiếm tài năng đào tạo chuyên nghiệp, giống như cách làm đang được những quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất hiệu quả.

* Phóng viên: Chúng ta có mối quan hệ rất tốt với các Liên đoàn bóng đá các quốc gia trên thế giới, sự hữu nghị đã góp phần phát triển môn thể thao như thế nào?

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Trên thực tế, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có nền bóng đá đang phát triển. Ngân sách Nhà nước dành cho bóng đá còn hạn chế. Vì vậy, việc mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA, AFC cũng như học hỏi mô hình làm bóng đá của các nước có nền bóng đá phát triển là giải pháp hiệu quả để góp phần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động phát triển bóng đá, nâng cao chất lượng tập huấn cho các đội tuyển.

Với chính sách này, từ năm 2015 trở lại đây, các đội tuyển trẻ của chúng ta hằng năm đều có những chuyến tập huấn ở nước ngoài, thông qua với các mối quan hệ quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Tây Á như Qatar, UAE, Saudi Arabia… Ngoài ra, khi có giải trẻ quốc tế thì các nước có quan hệ chặt chẽ với VFF cũng thường xuyên mời các đội tuyển của Việt Nam tham dự. Nhờ thế, các cầu thủ của chúng ta có thêm cơ hội rất quý báu để cọ xát, nâng cao trình độ.

Có thể nói rằng sự kiện đội tuyển nữ giành vé trực tiếp tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023 không chỉ là chiến công lịch sử của bóng đá Việt Nam mà còn là niềm tự hào của đất nước. Với chiến công này, đội tuyển nữ đã nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Hồi tháng 11-2022 vừa qua, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính và cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với ban huấn luyện cùng các thành viên đội tuyển nữ. Bà cảm thấy rất hạnh phúc khi được gặp gỡ các cô gái kiên cường, dũng cảm của bóng đá nữ Việt Nam. Thay mặt đồng chủ nhà World Cup 2023, New Zealand chào đón đội tuyển nữ Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ những gì tốt nhất cho thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung.

Trong thời gian qua, về phía VFF cũng giữ liên hệ chặt chẽ với FIFA và Ban tổ chức nước chủ nhà New Zealand, đồng thời triển khai các công việc cần thiết về chuyên môn nhằm bảo đảm đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất cho lần đầu tiên tham dự đấu trường World Cup.

* Phóng viên: Với một mục tiêu gần, liệu chúng ta có đủ tự tin để giành Huy chương Vàng SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới đây?

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Tại đấu trường SEA Games, Việt Nam đã lập thành tích ấn tượng khi là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á mà 2 lần liên tiếp giành Huy chương Vàng ở cả môn bóng đá nam và bóng đá nữ. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta lại không đặt ra mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch để cố gắng phấn đấu.

Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng, đạt được thành tích đã khó, nhưng duy trì và phát triển thành tích còn khó hơn bội phần. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa vì mục tiêu chung, thống nhất đầu tư trọng điểm để phát huy tối đa năng lực của thế hệ cầu thủ trẻ tài năng đang có.

Về phía VFF, trách nhiệm của chúng tôi là phải cố gắng để bảo đảm các đội tuyển có được điều kiện tốt nhất trong quá trình chuẩn bị và thi đấu, còn kết quả thắng thua trong bóng đá khó có thể nói trước bởi phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố may mắn nữa. Hy vọng các đội tuyển của chúng ta sẽ thi đấu đạt kết quả tốt, đáp ứng được sự kỳ vọng và tiếp tục mang đến niềm vui cho người hâm mộ.

* Phóng viên: Vậy ông có thể tóm gọn đôi lời về kế hoạch dài hơi của nền bóng đá Việt Nam?

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: FIFA)

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: FIFA)

* Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Như đã nói ở trên, về tầm nhìn thì chúng ta cần tiếp tục bám sát định hướng phát triển được đặt ra trên cơ sở các bài học kinh nghiệm qua các nhiệm kỳ của VFF.

Đó là đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ, hoàn thiện hệ thống thi đấu quốc gia và nâng cao chất lượng với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, trong đó sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban ngành, sự ủng hộ và phối hợp của các câu lạc bộ, các địa phương có vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đấy, việc huy động các nguồn lực cho các hoạt động bóng đá như tăng cường quan hệ quốc tế, vận động tài trợ kết hợp với nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, từ các dự án phát triển của FIFA, AFC cũng sẽ góp phần bảo đảm tốt công tác tập huấn chuẩn bị cho các đội tuyển trước khi tham dự các giải đấu của khu vực, châu lục và thế giới.

Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục đầu tư cho công tác mời về chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao, kết hợp với việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho các huấn luyện viên trong nước, tăng cường công tác y học thể thao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào hoạt động chuyên môn để tạo sự hòa nhập nhanh hơn cho bóng đá Việt Nam tiếp cận với trình độ của bóng đá thế giới.

VFF cũng hy vọng, với những hiệu ứng tích cực mà bóng đá mang lại, trong một tương lai gần, nhà nước và các doanh nghiệp tham gia hoạt động bóng đá sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa để cải thiện về cơ sở vật chất, sân bãi, vừa là để phục vụ đào tạo và thi đấu, vừa tạo nền tảng cơ sở để bóng đá Việt Nam phát triển.

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202302/chu-ky-moi-cua-bong-da-viet-nam-970445/