Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng
Để cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn cho các khách hàng, doanh nghiệp trong việc định danh điện tử, ngày 16/11 tới đây, VNPT sẽ cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tại Việt Nam triển khai hội thảo trực tuyến 'Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính- ngân hàng'.
Nhu cầu tháo gỡ khó khăn về định danh điện tử cho các lĩnh vực tài chính số
Mặc dù là những lĩnh vực đi đầu trong việc số hóa tại Việt Nam, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc định danh điện tử dành cho các giao dịch thuộc ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu mong muốn của các khách hàng và nhà đầu tư.
Đối với các ngân hàng, hình thức xác thực cho các giao dịch vẫn chủ yếu thực hiện với SMS OTP, Token OTP, email OTP… cho cá nhân và SmartOTP (Soft OTP) cho các giao dịch nhóm. Các hình thức xác thực này đã giúp khách hàng giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giao dịch an toàn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế như phải chờ đợi mã xác thực riêng lẻ cho từng giao dịch, với một số thiết bị phải nhập thủ công mã OTP cũng có thể dẫn đến sai sót… Trong khi đó, hình thức ký số vẫn chỉ được thực hiện trong nội bộ các ngân hàng và vẫn còn phải phụ thuộc vào các thiết bị vật lý lưu trữ mã bí mật (USB token) và thiết bị kết nối như PC, Laptop,…
Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng.
Điều tương tự cũng diễn ra với ngành chứng khoán. Đây là lĩnh vực mang tính đặc thù, cần “tốc độ”, “kịp thời” với “giá trị lớn” và yêu cầu sự “linh hoạt cao”, vì vậy những đòi hỏi về xác thực điện tử cũng phải nhanh và đặc biệt an toàn cho mỗi cú đặt lệnh. Khi mà mỗi giây đều là cơ hội, mỗi phút đều là tiền, dường như các hình thức ký xác thực hiện nay, bao gồm ký số sử dụng USB Token cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Riêng với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phần lớn các giao dịch đều phát sinh vãng lai chứ không đều đặn liên tục như các giao dịch chứng khoán hay ngân hàng. Một hình thức ký số từ xa với các gói cước ngắn hạn, chi phí hợp lý sẽ góp phần không nhỏ để doanh nghiệp và khách hàng thuận lợi hơn trong việc ký kết các hợp đồng điện tử.
Ký số từ xa (Remote Signing) dù mới chỉ được phát triển trên thế giới chưa lâu nhưng đã nhanh chóng được chứng minh tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Với những ưu điểm như không bị phụ thuộc vào thiết bị kết nối, không cần USB Token, có thể triển khai mọi lúc, mọi nơi trên trên nhiều loại thiết bị, bao gồm smartphone, tablet, laptop, PC với mức độ an toàn, bảo mật hàng đầu,… thế nhưng thực tế, hình thức định danh điện tử này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và chưa được nhiều người biết đến.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số toàn cầu cũng như quá trình chuyển đổi công dân số đang được đẩy mạnh trong cả nước, dường như chưa bao giờ nhu cầu về định danh điện tử lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn hình thức nào để có thể xác thực cá nhân một cách thuận tiện nhất, phù hợp nhất thì không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức… đến nay vẫn chưa có giải pháp toàn diện.
Lễ trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho VNPT.
Chữ ký số cá nhân, cơ hội để cùng phát triển
Cùng chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai định danh điện tử lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tại Việt Nam, tới đây ngày 16/11, VNPT sẽ cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, ngân hàng tại Việt Nam triển khai hội thảo trực tuyến “Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính – ngân hàng”.
Về phía các cơ quan Nhà nước, hội thảo sẽ có sự tham gia của ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Anh Dũng - Vụ phó Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia trao giấy phép cho đại diện VNPT.
Về phía các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, hội thảo sẽ có sự tham gia của ông Trần Công Quỳnh Lân- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank, ông Tạ Minh Phương- Phó Tổng Giám đốc công ty chứng khoán Tân Việt và ông Nghiêm Xuân Thái - Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm PTI.
“Ngân hàng, tài chính và bảo hiểm là những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế số. Vì vậy, với Hội thảo “Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính – ngân hàng”, chúng tôi hi vọng sẽ cùng các chuyên gia đem đến câu trả lời phù hợp nhất, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử, phù hợp với xu thế chung toàn cầu, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới”, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, một trong những diễn giả sẽ tham gia chương trình chia sẻ.
VNPT là đơn vị đầu tiên được trao giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa
Ngày 3/11, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, bao gồm mô hình ký số từ xa (VNPT-SmartCA) cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Trước đó, ngày 28/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt cấp phép cho VNPT để có thể triển khai dịch vụ ký số từ xa. Đây được đánh giá là mốc sự kiện quan trọng đối với VNPT để hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái số của Tập đoàn này.
Phát biểu tại buổi lễ cấp giấy chứng nhận, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để được cấp phép, dịch vụ chữ ký số từ xa của VNPT đã được thẩm định rất kỹ càng. Đây là hình thức ký số đảm bảo mức độ an toàn cao, đặc biệt tiện lợi cho người dùng khi có thể thực hiện giao dịch điện tử ở mọi nơi, mọi thời điểm. Việc phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên tại Việt Nam (năm 2009), VNPT đã có nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm ký số từ xa cho khách hàng từ năm 2017, trước cả thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định cấp phép cho loại hình này.
Theo đại diện VNPT, dịch vụ Remote Signing khác với dịch vụ CA truyền thống là khóa bí mật của chứng thư sẽ được lưu tại hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ thay vì trên thiết bị của người dùng. Khâu trọng yếu nhất của loại hình dịch vụ này là đảm bảo an toàn của chứng thư số và chỉ được sử dụng khi thuê bao cho phép, điều này được quy định bởi Module SAM (Signature Activate Module).
“Tính đến thời điểm hiện nay, VNPT là đơn vị duy nhất tự phát triển Module SAM -được tổ chức đánh giá Taylor Cox của Châu Âu cấp chứng chỉ đảm bảo tiêu chuẩn eIDAS và được nhà cung cấp HSM đánh giá đạt chuẩn cho phép nhúng vào thiết bị để cung cấp dịch vụ toàn trình tới khách hàng”, đại diện VNPT cho biết.
Được biết, hiện tại, VNPT cũng đã thực hiện các hoạt động tích hợp VNPT-CA với các phần mềm khác bao gồm Hóa đơn điện tử VNPT Invoice, VNPT HIS, VNPT iOffice, vnEdu… cũng như các nền tảng ứng dụng rộng khác trên Cổng dịch vụ công thông tin điện tử Quốc gia, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đơn vị này cũng đang hoàn tất nốt các thủ tục cuối cùng, xin cấp RootCA để có thể triển khai ngay dịch vụ ký số từ xa ra thị trường trong thời gian sớm nhất, dự kiến khoảng trung tuần ngay trong tháng 11 này.
Box 2: Để tham dự hội thảo, đăng ký tại: https://events.onesme.vn
Để theo dõi trực tuyến hội thảo, chi tiết tại: https://bit.ly/chukysocanhan