Chủ lực dẫn vốn vào nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển, tạo thế và lực mới cho vai trò 'trụ đỡ' của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Đòn bẩy vốn của nhà nông
Tham gia với vai trò chủ lực, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hằng năm luôn dành từ 65% đến hơn 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này và chiếm hơn 50% thị phần tín dụng dành cho “tam nông” hiện nay. Nguồn vốn của Agribank không những góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa ước mơ làm giầu của người nông dân, mà còn là điểm tựa giúp các doanh nghiệp làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế.
Có thể nói, hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank đã giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, giúp cho người nông dân yên tâm tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương ngày một tốt hơn. Câu chuyện làm giàu của người nông dân Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là một thí dụ. Ông Thành đã gắn bó với Agribank suốt hơn 20 năm nay, kể từ khi ông từ chiến trường Campuchia trở về và tới Ngọc Hồi lập nghiệp.
Trong ngôi nhà khang trang với cơ ngơi trang trại trù phú, ông Nguyễn Văn Thành nhớ lại,năm 1998, ông mạnh dạn vay Agribank chi nhánh Ngọc Hồi khoảng 20 triệu đồng để trồng cà phê, hồ tiêu. Nhưng được một thời gian, khi giá cà phê, tiêu xuống thấp, ông lại gom toàn bộ vốn liếng, tài sản chuyển sang đầu tư nuôi heo và triển khai mô hình VAC. Đến thời điểm heo rớt giátrongsuốt ba năm từ 2017 đến 2019 gây thua lỗ tới hàng chục tỷ đồng, ông Thành tưởng chừng không gượng dậy được.
“Nhưng nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất; lại được sự động viên của chính quyền địa phương mà tôi quyết tâm vượt qua”, ông Thành tâm sự. Vì vậy gia đình ông đã “đứng dậy” từ bờ vực phá sản và đến nay, gia đình ông đã có 10 héc-ta trong đó 7 héc-ta trồng cà phê, hồ tiêu, cau xuất khẩu; còn 3 héc-ta, ông đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi mấy trăm heo nái, lợn rừng, gà. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, nguồn thu từ trang trại cũng mang lại cho gia đình ông Thành tiền lãi từ 1,8 đến 2 tỷ đồng.Từ khoản vay lên đến 12 tỷ đồng, hiện ông Thành cũng đã trả được phần lớn, chỉ còn dư nợ hơn 3 tỷ đồng.
Cũng giống ông Thành, ông Bùi Văn Quyển (làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) gắn bó với mảnh đất Kon Tum và ngân hàng Agribanktừ những năm 1990. Với vài héc-ta đất để khai hoang trồng cao su, đến nay, gia đình ông đã có khoảng 40 héc-ta trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; mỗi năm cho giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Quyển chia sẻ, thời gian đầu gia đình ông chủ yếu tập trung trồng cây cao su với diện tích lên đến hàng chục héc-ta. Nhưng bởi là người ham mày mò, học hỏi, nên vào những lúc bớt bận bịu, ông Quyển lại đi khắp nơi từ Tiền Giang, Bến Tre sang Đắk Lắk, Đắk Nông để tìm hiểu thêm về các mô hình trồng cây công nghiệp khác. Sau khi tìm hiểu, trở về, ông quyết tâm thay đổi dần cơ cấu cây trồng, chặt bớt cây cao su và tập trung trồng cây sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã được 6 năm tuổi và đang hứa hẹn đến kỳ “hái quả”. Và một điều đáng mừng, trong suốt quá trình “trăn trở” làm kinh tế ấy luôn có sự đồng hành, cung ứng vốn tín dụng kịp thời từ ngân hàng. Đến nay, hộ ông Quyển đang có dư nợ gần 7 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh huyện Sa Thầy với lãi suất tùy thời điểm từ 6,5% đến 8,5%/năm.
Điểm tựa giúp doanh nghiệp phát triển
Không chỉ là chỗ dựa tin cậy của người nông dân, trong nhiều năm qua, Agribank từng bước trở thành người bạn đồng hành thân thiết, đáng tin cậy đối với nhiều doanh nghiệp. Doanh nhân Phan Thanh Thiên - Tổng Giám đốc Trường Sinh Group là người sáng lập Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh (có trụ sở chính tại Gia Lai). Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp Trường Sinh đã trở thành một tập đoàn lớn trong ngành dược liệu, gồm nhiều công ty con, sản xuất và kinh doanh đa ngành nghề trên các lĩnh vực: Sản xuất thuốc thảo dược và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; dược phẩm; rượu bổ, rượu mạnh chiết suất thảo dược, sau đó tận dụng xác dược liệu để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín tuần hoàn.
Đáng chú ý, tất cả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của Trường Sinh đều có khởi nguyên từ dược liệu, hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và vì môi trường xanh - sạch - đẹp. “Đến nay, có thể nói chúng tôi đã tạo dựng được chuỗi giá trị xanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong thời đại công nghệ 4.0 và trong xu hướng của nền kinh tế mới khi chúng ta phải chung sống với dịch bệnh Covid-19, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các vùng nguyên liệu cũng như trang thiết bị máy móc, dây chuyển sản xuất theo chuẩn GMP cho các nhà máy sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng thêm các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Phan Thanh Thiên chia sẻ. Và cũng theo ông Thiên, sự chia sẻ, đồng hành và nhất là sự hỗ trợ cả ở những dịch vụ ngoài tín dụng như tư vấn chính sách, kết nối với chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết những vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp, chính là lý do để Trường Sinh gắn bó với Agribank từ bao năm qua. Đến nay, công ty Trường Sinh trở thành khách hàng lớn của Agribank chi nhánh Gia Lai với dư nợ hơn 100 tỷ đồng, lãi suất khoảng 6,5 – 6,7%/năm.
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, với tổng tài sản hơn 1,8 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tổng quy mô tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank là chủ lực trong cho vay phát triển lĩnh vực này. Kiên định với mục tiêu “tam nông” gắn với sứ mệnh của Ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập, nên trong suốt hành trình 35 năm dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%/năm. Bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và diễn biến thị trường, Agribank luôn nhất quán trong điều hành, triển khai đồng bộ có hiệu quả nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế, đầu tư vốn vào nông nghiệp rất khó bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh,… đòi hỏi phải có thời gian, sự gắn kết và cam kết rất lâu dài. “Để đồng hành được lâu dài với bà con nông dân, trước hết là ở cán bộ ngân hàng. Các cán bộ ngân hàng phải am hiểu về quy trình đầu tư, quy trình canh tác, đơn cử như cần biết cùng một héc-ta đất đầu tư trên một loại cây trồng nhưng ở các vùng khác nhau thì suất đầu tư sẽ là bao nhiêu. Từ đó, biết thời điểm nào thì nhà đầu tư cần vốn, giai đoạn nào thì cần lượng vốn cho nhu cầu mục đích gì từ đó xác định nhu cầu đầu tư vốn cho kịp thời. Cũng trên cơ sở đó, Agribank sẽ có các chương trình tín dụng khác nhau.
Thí dụ với Tây Nguyên luôn luôn là địa bàn thiếu vốn nhưng cũng là địa bàn hút vốn cao, đòi hỏi chúng tôi phải xác định thời điểm mà Tây Nguyên cần vốn sẽ là thời điểm nào để trong công tác điều hòa về vốn hay các chính sách lãi suất phải làm sao để từ nguồn vốn ngân hàng, Tây Nguyên phát triển được những mô hình kinh tế, nhất là kinh tế xanh, kinh tế hàng hóa”, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Ngoài ra, để gắn bó với “tam nông” thì với ngân hàng không chỉ dừng lại ở câu chuyện về chi phí vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho người dân. Mà do đầu tư cho nông nghiệp còn gánh chịu rủi ro rất nhiều do thiên tai, nên cũng cần phải có những cơ chế chính sách để tháo gỡ kịp thời, như cơ chế hỗ trợ, cơ cấu nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi. Đặc biệt, làm sao để vận động thuyết phục cho bà con nông dân hiểu những sản phẩm mà ngân hàng đã và đang cung cấp. “Như ở đây, với các mô hình sản xuất như thế này ở Tây Nguyên thì có vai trò rất quan trọng của bảo hiểm. Tôi lấy thí dụ như tại huyện Chư Prông (Gia Lai) năm qua,nhờ chương trình Bảo an tín dụng của Agribank đã có khoảng 6 hộ khách hàng đã được bảo hiểm Agribank thanh toán toàn bộ tiền gốc, lãi trong quá trình khách hàng vay vốn gặp phải tổn thất về sức khỏe như mất khả năng lao động, hoặc tử vong trong thời gian đang còn dư nợ ở ngân hàng”, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-luc-dan-von-vao-nong-nghiep-nong-thon-post743165.html