Chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân
Dạy cho chúng ta phân biệt đâu là chủ nghĩa cá nhân, đâu là lợi ích cá nhân, Bác Hồ viết: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ lo cho lợi ích riêng mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, so bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”. Về lợi ích cá nhân, Bác viết: “Chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu... Phải thấy rằng, chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình. Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích đúng đắn và đảm bảo cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”.
Những lời Bác dạy trên cho chúng ta thấy chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân khác hẳn nhau, đối lập nhau hoàn toàn. Chủ nghĩa cá nhân chỉ biết vun vén cho lợi ích riêng mình. Còn lợi ích cá nhân là yêu cầu chính đáng của mỗi con người “đều sinh ra có quyền hưởng tự do, được mưu cầu hạnh phúc, được sung sướng”. Nói đơn giản là đều phải được ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, vui chơi, giải trí...
Trong thời phong kiến, cái gì quý, ngon, đẹp... là phải tiến cung cho vua, cho quan. Người dân không được học chữ, ăn đói, mặc rách, bị khinh bỉ, đàn áp. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, trong khi ông chủ là tỷ phú, còn công nhân lao động bị bóc lột, không ít người không có nhà ở, không đủ ăn, đủ mặc. Ở nước ta, chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dù trải qua 30 năm chiến tranh, đất nước còn nghèo, kinh tế còn lạc hậu nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xem đem lại lợi ích cá nhân cho mỗi con người là mục đích cao nhứt, có nghĩa mọi hoạt động chỉ vì mang lại lợi ích của mỗi con người.
Mấy mươi năm qua cho đến hiện nay và sắp tới, mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đều nhắm đến người nghèo, từ thành thị đến vùng đồng bằng, miền núi, hải đảo... đều có công ăn việc làm, có nhà ở, được ăn mặc đầy đủ, lành lặn, được chăm sóc chữa bệnh, được học tập, được hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, được vui chơi giải trí...
Ở tỉnh ta “nhà đá nhà đạp” nhan nhản ngày trước, nay không còn nữa. Nhiều khu đô thị thị trấn, thị xã, thành phố ra đời với nhiều nhà cao tầng. Ở các xã nông thôn, nhà tường thay nhà lá ọp ẹp mọc lên đều khắp mọi nơi. Cứ mỗi lần đi có dịp trở lại là thấy nhà tường mới xuất hiện. Lẽ tất nhiên bên trong những nhà tường đó là sáng trưng các tiện nghi sinh hoạt: quạt máy, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, ti-vi, bếp ga, bếp điện, điện thoại di động, đèn compac, salon, tủ ly... không ít biệt thự xuất hiện ở vùng “khỉ ho cò gáy” ngày xưa, do làm ăn phát đạt.
Về ăn và mặc, chủ trương và biện pháp xóa đói giảm nghèo, đến nay ở tỉnh ta, cái đói đã chấm dứt, cái nghèo giảm từng năm. Sản xuất phát triển, thu nhập kinh tế càng cao, cái ăn từ đủ no dần lên ăn ngon, cái mặc từ rách rưới nay lên mặc đẹp. Bây giờ, không còn thấy người ăn mặc rách vá đi lại trên đường, mà ở nhà hằng ngày hay dự đám tiệc ai ai cũng mặc đẹp...
Đi lại ngày xưa chủ yếu bằng xuồng ghe. Nay đường nhựa, đường đan trải giáp vùng nông thôn, xe hai bánh, bốn bánh ngược xuôi trên đường và dần vắng bóng xuồng ghe. Trẻ con đi học, người đi chợ, đi thăm đồng... đều dùng xe.
Điện lưới quốc gia ngày càng kéo xa đến giáp xóm ấp nông thôn, cả những cồn, cù lao trên sông, điện sáng trong nhà, điện “thắp sáng đường quê”. Cái đèn hột vịt, đèn bánh ú ánh sáng chập chờn bây giờ chỉ còn trong bảo tàng. Điện làm cho các nhà máy sản xuất, xay xát... mọc đều các nông thôn.
Ngày xưa, cả quận Cao Lãnh nơi có trường Tiểu học dạy đến lớp Nhứt (lớp Năm bây giờ). Nay cả tỉnh phủ kín trường từ nhà trẻ, mẫu giáo, các cấp học phổ thông. Các huyện vùng sâu như: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười đều có 2-3 trường THPT, tỉnh có các trường Cao đẳng và Đại học. Các hoạt động “Gương sáng hiếu học”, “Vượt khó học giỏi”, “Giúp em đến trường”, “Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc”... thật sự là cái phao giúp hàng ngàn trẻ em nghèo được đi học thành tài. Cả hệ thống chính trị, xã hội đều chăm lo cho việc học, chẳng những cho tuổi trẻ mà người lớn cũng phải học tập suốt đời.
Trạm xá y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh cả công và tư, với đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo đông gấp trăm lần lúc mới giải phóng. Dân trong tỉnh và cả Campuchia đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu, từ chưa có gia đình đến lúc mang thai, sinh nở, trẻ sơ sinh, trẻ học đường...
Khó kể hết việc làm và thành tựu vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã thực hiện theo mong ước của Bác Hồ: “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng được tự do, có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dù kẻ thù có cố tình xuyên tạc, thì sự thật chứng minh lợi ích cá nhân của từng người trong đất nước ta đều được cải thiện, nâng cao. Và lợi ích cá nhân đó ngày càng không ngừng nâng cao...
Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã đưa đời sống người dân nông thôn gần hơn với thành thị. Bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta quan tâm, lo ngại.
Thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, người người xả thân làm theo lời Bác: “Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Lớp lớp người tham gia kháng chiến, rời bỏ gia đình mặc cha mẹ, vợ con tự lo liệu cuộc sống, tâm huyết chỉ dồn cho việc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, hy sinh cả xương máu của mình. Muốn tham ô cũng chẳng có gì để tham ô. Muốn hủ hóa điều kiện cũng không cho hủ hóa. Lòng người trong trắng dù gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Đẹp vô cùng hình ảnh người kháng chiến.
Nay đã hòa bình, nhứt là là từ khi đổi mới, kinh tế - xã hội ổn định và phát triển theo hướng mở kinh tế thị trường, giao lưu hàng hóa với quốc tế, bên cạnh mặt tốt đưa đất nước đi lên, lại xảy ra những hiện tượng tiêu cực.
Khi Đảng chưa cầm quyền, cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến, mỗi cán bộ, đảng viên từ người giữ chức vụ cao đến người nhân viên đều dốc toàn tâm toàn lực cho chiến đấu và chiến thắng, ít ai nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Nay thời cuộc đổi khác, đời sống từng người nâng cao, người có chức có quyền điều hành nên kinh tế thị trường tuy có định theo xã hội chủ nghĩa, va đụng với hàng hóa, tiền vàng đô la, lợi ích vật chất càng cao, khiến không ít người để cho chủ nghĩa cá nhân có đất sinh sôi nẩy nở, lòng tham ham muốn vật chất cao sang lấn lướt phẩm chất đạo đức trong người. Lợi dụng chức quyền, nửa lo cho việc chung theo chức trách, nửa lo cho lợi ích riêng mình. Họ sa vào tham nhũng để có được nhiều tiền, nhiều đất, nhiều nhà cao cửa rộng, quên hẳn những lời Bác Hồ dạy, quên tư cách người cán bộ, đảng viên, xa rời cuộc sống Nhân dân, quên mình là đầy tớ của dân.
Đảng ta cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, điều đó là đúng, có lợi cho nền kinh tế quốc dân, trong khuôn khổ quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Nhiều đảng viên phát huy tính tích cực, suy nghĩ, sáng kiến trong làm ăn kinh tế, vừa ích nước vừa lợi nhà, nêu những tấm gương sáng, được biểu dương. Song không ít cán bộ có chức có quyền đã lợi dụng chức quyền, lợi dụng khe hở của pháp luật, quan hệ với các doanh nghiệp để có đi có lại, tận dụng đất công để chiếm đoạt, làm giàu bất chính và có thể nói diễn biến thiên hình vạn trạng trong giương cái ô chức quyền đó để vụ lợi, vun vén cho gia đình, cất nhắc người thân trong gia đình, dòng họ...
Những việc làm đó không che mắt được Nhân dân và Đảng ta xem đó là một trong những nguy cơ, đã và đang quyết liệt chống những vụ vi phạm hàng loạt cán bộ có chức có quyền chịu kỷ luật Đảng, luật pháp Nhà nước, mất chức và đi tù. Tham nhũng bây giờ không chỉ là đất, là tiền mà cả tham nhũng chức quyền, tham nhũng chánh sách. Đảng ta vừa quyết liệt chống tham nhũng vừa chống chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, loại những người không xứng đáng trong việc chọn lựa nhân sự đưa vào Ban Chấp hành Đảng các cấp trong cuộc Đại hội Đảng sắp tới.
Đảng kiên quyết, lòng dân hả hê, càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nói, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chăm lo lợi ích cá nhân trong thời kỳ nầy quyết liệt hơn lúc nào. Thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta có phần đóng góp to lớn trong chống chủ nghĩa cá nhân và càng nâng cao lợi ích cá nhân cho từng người dân từ thành thị đến nhà máy, công ty, vùng đồng bằng, miền núi, hải đảo, các dân tộc thiểu số, để thỏa lòng mong ước của Bác Hồ làm cho dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.