Chủ nhà im lặng khi khách hàng xin hỗ trợ tiền thuê mặt bằng

Hầu hết khách thuê đã gửi công văn xin chủ nhà giảm giá nhưng những gì họ nhận được chỉ là sự im lặng.

Bài toán mặt bằng đang được xem là phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp bởi dù đã tạm dừng kinh doanh do dịch Covid-19 nhưng tiền thuê mặt bằng phần lớn đã được thanh toán trước theo kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm.

Số ít các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận giảm, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chủ nhà nhất quyết không hạ giá, không giảm trừ tiền thuê, dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa đôi bên.

Cửa hàng nhỏ lẻ điêu đứng

Thời gian gần đây, một số địa phương như Hà Nội, TP. HCM... thực hiện tạm dừng hoạt động các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu, thì số lượng chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn lại càng tăng lên.

Nhiều chủ cửa hàng nhỏ lẻ than phiền không còn đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng

Nhiều chủ cửa hàng nhỏ lẻ than phiền không còn đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng

Anh Minh Tiến, chủ một cửa hàng buôn bán đồ điện lạnh tại phố Huế (Hà Nội) chia sẻ: "Từ sau Tết, việc kinh doanh đã rất ế ẩm. Bây giờ, dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi buộc phải đóng cửa, khó khăn lại càng khó khăn. Cửa hàng đã cho nghỉ việc phần lớn nhân viên, nhưng cũng không đủ trả tiền thuê mặt bằng. Tôi cũng đã thỏa thuận với chủ nhà giảm tiền thuê, nhưng sau hơn 2 tuần vẫn chưa có tiến triển".

Cũng gặp khó khăn tương tự, chị Ngọc Anh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. HCM) cho hay: "Việc tạm dừng kinh doanh do dịch Covid-19 là điều không ai mong muốn. Thiệt hại lớn đã đành, nhưng nếu cứ tiếp tục thế này, tôi không biết vay đâu để trả tiền thuê cửa hàng. Hợp đồng ký cả năm, dù không kinh doanh được thì hàng tháng vẫn phải đóng gần 50 triệu đồng tiền thuê cửa hàng".

Trong khi đó, anh Đức Hải, kinh doanh các sản phẩm điện thoại tại phố Vọng (Hà Nội), mặc dù đã đàm phán được việc giảm tiền thuê với chủ nhà .nhưng sau đó lại bị gây khó dễ bằng việc đòi truy thu tiền điện, nước trong 3 năm qua.

"Kinh doanh đã khó khăn lại gặp chủ nhà như vậy, nên tôi quyết định đóng cửa hàng luôn", anh Hải nói. Tới cuối tháng 3/2020, anh thông báo đóng cửa, trả mặt bằng và xin lại tiền cọc, thì nhận được câu trả lời chủ nhà sẽ trừ tiền cọc và chỉ trả lại vào cuối tháng 4/2020.

Doanh nghiệp lớn xoay sở ra sao?

Theo chia sẻ từ đại diện chuỗi bán lẻ Vua Nệm, công ty đã gửi công văn cho tất cả các chủ mặt bằng từ ngày giữa tháng 3/2020, xin giảm 25% chi phí thuê mặt bằng 3 tháng. Ngay sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục gửi lần 2, xin miễn phí thuê tháng 4 (do tạm đóng cửa theo chỉ thị 16 Chính phủ).

Thay vì chia sẻ với doanh nghiệp, một số chủ nhà đưa ra những điều kiện ngặt nghèo nhất là trong bối cảnh dòng tiền bị đình trì trệ, như phải đóng tiền 12 tháng giảm 1 tháng; đóng liền 2 tháng tiếp theo mới giảm giá; không giảm giá và vẫn phải đóng phí dịch vụ trong thời gian tạm đóng cửa; hoặc xin ý kiến rất lâu nhưng không có phản hồi.

Các doanh nghiệp lớn đau đầu khi nhiều chủ nhà chọn cách "im lặng" trong mùa dịch

Các doanh nghiệp lớn đau đầu khi nhiều chủ nhà chọn cách "im lặng" trong mùa dịch

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, đại diện chuỗi nhà hàng RedSun ITI cho hay, bên cạnh chi phí nhân sự với mong muốn đảm bảo đồng lương cho nhân viên, công ty đang gặp áp lực tài chính rất lớn từ chi phí thuê mặt bằng.

Trong quá trình thương thảo, một số chủ mặt bằng đã có động thái hỗ trợ giảm chi phí thuê từ 15-20% tương ứng với số ngày đóng cửa theo quy định của Chính Phủ. Còn lại, phần lớn chưa có phản hồi chính thức, hay chung tay chia sẻ với doanh nghiệp.

Về phía hệ thống siêu thị nội thất BAYA, đại diện doanh nghiệp chia sẻ, từ tháng 3/2020, BAYA đã chủ động đóng cửa cửa hàng, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị cho thuê mặt bằng, đề nghị giảm 30% - 50% giá thuê mặt bằng trong các tháng tiếp theo.

Tới cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp gửi thư lần 2 và 3 tìm kiếm sự thông cảm và hỗ trợ từ các đối tác. Đáp lại, các yêu cầu từ phía đơn vị cho thuê cũng vô cùng khó khăn: công văn lên lãnh đạo, quy trình xem xét nhiêu khê, chỉ làm việc thông qua trung gian, từ chối làm việc trực tiếp cùng doanh nghiệp…

Cho đến nay, đã có một số đơn vị phản hồi và đồng ý hỗ trợ, thảo luận các phương án cùng giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên. Song vẫn có các đơn vị im lặng, hoặc từ chối trao đổi. "Việc này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh", đại diện BAYA chia sẻ.

Cửa hàng Highland Coffee vắng khách trong mùa dịch

Cửa hàng Highland Coffee vắng khách trong mùa dịch

Ở nhóm các doanh nghiệp "ngàn tỷ", tiêu biểu là Highlands Coffee và Thế Giới Di Động, các công văn xin giảm, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng liên tục được đưa ra trong giai đoạn giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2020.

Cụ thể, phía Highland Coffee đã xin giảm 30% tiền thuê mặt trong sáu tháng. Còn Thế Giới Di Động cho biết muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng, miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh để phòng dịch Covid-19.

Một số chủ nhà cho rằng, vì đây đều là các tập đoàn lớn, nên tình hình có thể sẽ không quá khó khăn như các hộ kinh doanh, cá nhân nhỏ lẻ. Do đó, nhiều chủ nhà vẫn chọn cách im lặng, hoặc chưa đưa ra quyết định có hỗ trợ khách hàng hay không.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chu-nha-im-lang-khi-khach-hang-xin-ho-tro-tien-thue-mat-bang-1586334101336.htm