Chủ nhân Nobel Hóa học 2022 nói về hướng chọn ngành nghề của giới trẻ Việt
Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu có cách tiếp cận thông minh về Hóa học xanh thì đó là thế mạnh để phát triển, do vậy, người trẻ có nhiều cơ hội để thay đổi thế giới bằng Hóa học. Đây là những chia sẻ của GS Morten P.Meldal, chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2022, khi tới thăm và đọc bài giảng đại chúng 'Hóa học Click' tại Trường Đại học (ĐH) Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) chiều qua.
GS Morten P. Meldal đang làm việc tại ngành Hóa của Trường ĐH Copenhagen, Đan Mạch. Chia sẻ về con đường đến với giải Nobel 2022, GS Morten cho biết, ông đã đi qua hành trình 21 năm, từ năm 2002 khi ông và GS Karl B. Sharpless độc lập công bố các kết quả nghiên cứu về phản ứng cộng đóng vòng Azide-Alkyne sử dụng xúc tác đồng (CuAAC) và trở thành “trái tim” của Hóa học Click hiện nay.
“Không ai làm khoa học vì giải Nobel mà tự thân giải thưởng là chất lượng của nghiên cứu khoa học. Đằng sau nó là rất nhiều ngày đêm làm việc trong phòng thí nghiệm và một chút may mắn. Những người nhận giải Nobel là những người nghĩ về Hóa học, nghĩ về khoa học”, GS Morten nói.
GS Morten nói, Hóa học vốn là chuyên ngành khó nhưng có vai trò quan trọng cho phát triển tương lai. Thông điệp tiếp theo mà ông muốn chuyển tải là người trẻ còn rất nhiều cơ hội để tìm ra các click Hóa học khác vì nó rất thông dụng trong cuộc sống hiện nay như ứng dụng trong học liệu nano, polyme. Sở dĩ click Hóa học được chọn để trao giải Nobel 2022 vì nó rất xanh, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Hóa học ở Việt Nam được đưa vào dạy từ chương trình lớp 7, 8 và chương trình mới nằm trong môn tích hợp từ lớp 6, môn độc lập tự chọn từ lớp 10. Nhưng thực chất, Hóa học là những hiện tượng xung quanh trong cuộc sống hằng ngày. GS Morten cho biết, ông có dự án thu hút người trẻ đến với Khoa học công nghệ bằng cách làm ra các video để họ thấy được Hóa học cụ thể trong cuộc sống. Ông khẳng định, nên dạy Hóa học cho trẻ em càng sớm càng tốt.
Đối với việc chọn ngành chọn nghề của người trẻ Việt Nam, GS Morten thông tin, thời gian tới, Hóa học rất cần cho năng lượng sạch, tích trữ năng lượng sạch một cách thông minh.
“Tôi biết Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt như tre, nếu có cách tiếp cận thông minh về Hóa học thì đó là nguồn nguyên liệu lớn để phát triển. Hóa học không biến mất, nhưng những người làm Hóa học phải thiết lập lại theo hướng Hóa học xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn, dễ tái tạo hơn. Đó là cơ hội lớn để người trẻ lựa chọn Hóa học”, GS Morten nhìn nhận. Có nhiều cơ hội thay đổi thế giới bằng Hóa học nhưng quan trọng nhất phải làm cho người trẻ thích thú với Hóa học, ông nói.