Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tiếp xúc cử tri tại Đồng Nai
Ngày 21.6, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 4, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ sau Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.
Báo cáo với cử tri kết quả Kỳ họp thứ Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Tổ ĐBQH đơn vị số 4 cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Ba đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và Tổ ĐBQH đơn vị số 4 cũng cho biết, trong kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đã tích cực tham gia phát biểu với 51 lượt ý kiến tham gia thảo luận ở Tổ (36 ý kiến) và Hội trường (15 ý kiến); đã gửi 6 văn bản chất vấn đến các Bộ, ngành; góp ý kiến tham gia xây dựng các dự án luật, các Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 2 văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số khó khăn vướng mắc trong triển khai các Luật, Nghị định. Các đại biểu tích cực tham gia các hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội (ĐBQH là thành viên), tích cực trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong thời gian giải lao các phiên họp Quốc hội.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri phản ánh một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giá xăng dầu tăng cao làm ảnh hưởng tới đời sống và hoạt động sản xuất của người dân…
Đại diện các sở, ban, ngành địa phương đã trực tiếp trả lời, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, các vấn đề mà cử tri phản ánh đều là những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống; khẳng định Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm giải quyết.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, đây là một trong những vấn đề đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm đẩy mạnh. Nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý, trong đó có những vụ án lớn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; nhiều cán bộ quản lý cấp cao bị kỷ luật, truy tố. Gần đây nhất là trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tiếp tục các công việc điều tra, khởi tố.
Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo trực tiếp. Thông tin với cử tri Đồng Nai về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, “đây là bước tiến rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta”. Chia sẻ với các kiến nghị của cử tri, mong muốn Bí thư Tỉnh ủy sẽ vào cuộc mạnh mẽ để mô hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực này phát huy hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, "cần nêu cao tấm gương của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thực hiện tốt hơn nữa công tác này”.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, tại các phiên thảo luận ở tổ và ở hội trường khi xem xét phê duyệt chủ trương các dự án giao thông trọng điểm tại Kỳ họp thứ Ba, các ĐBQH đều phản ánh nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân về vấn đề này. Quốc hội cũng cân nhắc, tính toán cẩn trọng các phương án nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, Quốc hội đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó đưa dự án Luật Đất Đai (sửa đổi) vào chương trình, nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.