Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Tồn tại tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm
Tiếp tục phiên họp thứ 23, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.
13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt
Theo cơ quan thẩm tra, năm 2022, kinh tế đã có sự phục hồi nhanh và đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật: GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch.
Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
“Có ý kiến cho rằng thu ngân sách còn chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ đất, dầu thô, xổ số. Công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt yêu cầu”, ông Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đáng lưu ý, đầu tháng 10/2022, sự kiện Tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra, cùng với các tin đồn trên mạng đã khiến người dân xếp hàng để rút tiền khỏi SCB, buộc NHNN đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt.
“Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, đặc biệt trong những tháng cuối năm, huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán và số lượng doanh nghiệp niêm yết mới cũng giảm. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), phát hành mới vô cùng khó khăn do niềm tin thị trường giảm mạnh trong khi khối lượng TPDN được mua lại tăng cao”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
“Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của VCCI cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, lãi suất cho vay cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, kênh huy động trái phiếu gần như đóng băng, thực hiện đầu tư công thấp hơn nhiều so với kế hoạch; tất cả các yếu tố này cộng hưởng càng làm nghẽn dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định trong lĩnh vực ngân hàng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường TPDN và ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp BĐS “đói vốn”
Trong thị trường BĐS, bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối Quý II/2022. Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường TPDN khiến doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn TPDN... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn.
Nhiều doanh nghiệp BĐS “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
“Hệ quả, thị trường BĐS khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế”, ông Thanh nêu.
Sang năm 2023, Ủy ban Kinh tế cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Bên cạnh đó, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19; đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong Quý I/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lưu ý kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường TPDN, thị trường BĐS. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường BĐS thông qua điều tiết nguồn cung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu BĐS cao cấp và BĐS bình dân bằng công cụ quy hoạch.
Cùng với đó, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ; điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ.