Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp Đại sứ Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland

Sáng 29/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi tiếp Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew.

Quang cảnh cuộc tiếp

Quang cảnh cuộc tiếp

Tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chia sẻ với Đại sứ Iain Frew về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Theo đó, Ủy ban có chức năng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát chính sách, pháp luật và hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước, đất đai, ngân hàng, hoạt động kinh doanh, kiểm toán nhà nước và các dự án khác…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc tiếp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc tiếp

Chia sẻ thêm về Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho biết, trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kinh tế và Tài chính luôn tích cực thực hiện các hoạt động để góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vương quốc Anh nằm trong những nước có tăng trưởng thương mại cao hàng đầu với Việt Nam trong khối Châu Âu.

Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew phát biểu tại buổi tiếp

Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew phát biểu tại buổi tiếp

Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew gửi lời chúc mừng đến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trên cương vị mới. Đồng thời mong muốn mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng hiệu quả và bền vững.

Chia sẻ cách vận hành của Trung tâm tài chính London, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nhấn mạnh ba điểm mấu chốt để trung tâm phát triển là hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hiện đại. Trong đó lưu ý đến việc đồng bộ của hệ thống pháp luật sao cho khung pháp lý phải mang tính bền vững và ít bị thay đổi. Đại sứ Iain Frew cũng cam kết sẽ hỗ trợ đồng hành cùng Việt Nam thông qua các Hiệp định Thương mại tự do mà hai nước đều là thành viên.

Đại sứ Iain Frew mong muốn Quốc hội Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc về pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các nhà đầu tư Vương quốc Anh.

Quang cảnh cuộc tiếp

Quang cảnh cuộc tiếp

Chia sẻ về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài Chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết và hợp lý, điều này sẽ góp phần kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thúc đẩy thương mại với thị trường quốc tế, thu hút đầu tư tài chính nước ngoài, tạo nguồn lực đầu tư mới, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Về khả năng đáp ứng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết đến nay, Việt Nam với thế mạnh tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, hoàn toàn đủ khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới; có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng có nhiều lợi thế về kinh tế, chính trị, vị trí địa lý trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.

Đại biểu dự cuộc tiếp

Đại biểu dự cuộc tiếp

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với chủ trương thành lập 01 Trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt tại 2 thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 9. Nhiều chính sách được xây dựng dự kiến áp dụng ngay và một số chính sách được thí điểm thực hiện theo lộ trình trên nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đánh giá cao sự hỗ trợ từ Chính phủ Anh và tổ chức The City UK thông qua các hoạt động hỗ trợ kết nối với các chuyên gia tài chính Anh và quốc tế trong việc tham vấn ý kiến xây dựng TTTC; hỗ trợ tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia; có ý kiến trực tiếp trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết…, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tiếp tục hỗ trợ, có ý kiến tham gia về kỹ thuật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc ban hành, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi và Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew đã trao đổi thêm những vấn đề về lộ trình áp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối; Thuế đối ứng và các giải pháp nhằm đa dạng hóa xuất khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi tặng quà Đại sứ Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland Iain Frew

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi tặng quà Đại sứ Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland Iain Frew

Diệu Huyền

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93823