Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Vì sao xử lý mạnh nhưng án về tham nhũng vẫn tăng?

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần đánh giá nguyên nhân tại sao xử lý kiên quyết nhưng số vụ án về tham nhũng vẫn tăng.

Sáng 15/9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến liên quan các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao năm 2022.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân tại sao trong thời gian qua đã xử lý kiên quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn nhưng số lượng vụ án về tham nhũng vẫn tăng.

"Phải phân tích xem sự gia tăng này do sơ hở trong quy định pháp luật hay nhận thức của cán bộ nên coi thường pháp luật, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới", ông Tùng nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, người vi phạm tham nhũng, tiêu cực đa phần là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn. Những người này có nhận thức về pháp luật không phải thấp. Vậy nên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng phải đầu tư hình thức phù hợp để đạt được hiệu quả với đối tượng đặc thù này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ông Tùng nhấn mạnh, phải đề cao yếu tố "phòng" trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tích cực triển khai biện pháp phòng ngừa từ xa đối với loại tội phạm này để có thể ngăn chặn ngay từ đầu, chứ không phải chờ đến khi xảy ra rồi mới xử lý.

"Việc người dân không nắm rõ chính sách, pháp luật sẽ là cơ hội cho cán bộ công chức, viên chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, để giảm thiểu thực trạng này, cần tập trung công tác truyền thông và định hướng dư luận xã hội, tăng cường ứng dụng thông tin, thực hiện tốt công tác công khai thông tin cho người dân", ông Tùng nhận định.

Ngoài ra, ông Tùng cũng kiến nghị nêu cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu các cơ quan, cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong chính cơ quan thi hành công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 đến 31/7/2022, cơ quan chức năng phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%. Song, phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%, với 396 vụ so với cùng kỳ năm 2021. 327 vụ đã bị khởi tố với 836 bị can.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15/9.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15/9.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là những sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng...

Ngoài ra, tội phạm liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 gia tăng, đáng chú ý là một số vụ án có quy mô, phạm vi đặc biệt lớn, như mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước. Đặc biệt, liên quan các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi...

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-vi-sao-xu-ly-manh-nhung-vu-an-tham-nhung-van-tang-ar700825.html