CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA: CẦN CÓ QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN THÊM VỀ HỒ SƠ ĐỐI VỚI NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng dự thảo Nghị quyết cần có hướng dẫn thêm về hồ sơ đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc người tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HÀ NAM

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ỦY BAN THƯỜNG TRỰC THƯỢNG VIỆN THÁI LAN

Tờ Trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường và hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về Hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết…

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (như xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo dự thảo Nghị quyết, việc tổ chức kỳ họp Quốc hội sẽ theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến: Quy định nguyên tắc tổ chức kỳ họp, trong đó quy định cụ thể hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; điều kiện bảo đảm cho kỳ họp tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín: Hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp về dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản nhất trí với các nội dung trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội do và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Về hồ sơ trình Quốc hội quyết định về nhân sự trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại Điểm d Khoản 1, Điều 30 của Nội kỳ họp Quốc hội hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đối với người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu chức danh để Quốc hội bầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc để bổ sung, hướng dẫn cụ thể thêm về nội dung hồ sơ đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc người tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu.

Đối với trường hợp người tự ứng cử và người đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm để ứng cử vào các chức danh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay chúng ta chưa quy định về hồ sơ. Do vậy, đề nghị cần bổ sung thêm…

Đối với nội dung về Kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần thiết phải có tiêu chí để xây dựng nội dung cho Kỳ họp bất thường và cho rằng, việc quy định tiêu chí để xác định nội dung cuộc họp bất thường nhằm tránh trường hợp khi kỳ họp bình thường chúng ta làm không kịp thì chuyển qua kỳ họp bất thường. Do vậy, nội dung của Kỳ họp bất thường cần phải có tiêu chí của nó, đó là những vấn đề quan trọng, cấp bách, không thể đợi đến kỳ họp bình thường chúng ta mới đưa vào. Với ba tiêu chí như Ủy ban Pháp luật nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất.

Dự thảo Nghị quyết cũng đang quy định hồ sơ nhân sự phải có bản kê khai tài sản của cá nhân. Đồng thời Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với Ban công tác đại biểu tổ chức quản lý hồ sơ nhân sự phát hành và hồ sơ được sử dụng theo chế độ tài liệu mật. Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội. Hình thức, thời điểm công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, quy định nêu trên cũng là một hình thức hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 về kê khai tài sản, thu nhập đối với người được dự kiến bầu phê chuẩn tại Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm tới việc ban hành quy định của Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn. Điểm e, Khoản 1, Điều 11 quy định hồ sơ nhân sự phải có giấy khám sức khỏe của bệnh viện cấp huyện trở lên. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật khám bệnh, chữa bệnh. cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tư nhân từ việc phân thành 4 tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương đã được sửa đổi thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp khám, chữa bệnh cơ bản và cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định này cho phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73207