Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Sáng 10/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cùng bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Tại cuộc tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chúc mừng bà Caroline Nyamayemombe nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ năm 2023 và chính thức được đề bạt là Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam từ tháng 1/2024. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao hỗ trợ của UN Women đã và đang dành cho Việt Nam trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ về một số kết quả đạt được về bình đẳng giới tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, sau 15 năm ban hành, Luật Bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống, nhận thức và thực hành về bình đẳng giới của Nhân dân được nâng cao. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm. Kết quả triển khai công tác bình đẳng giới trong 08 lĩnh vực quy định tại Luật Bình đẳng giới đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tại cuộc tiếp

Các đại biểu tại cuộc tiếp

Về việc phụ nữ tham chính, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam hiện là 30,6%. Đến nay, Việt Nam có 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 59%; có 4/30 nữ Bộ trưởng và tương đương, đạt 13,3% và 14/108 nữ Thủ trưởng và tương đương, đạt 13%. So với nam giới, các nữ đại biểu Quốc hội không chỉ quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới mà còn các vấn đề xã hội, giáo dục và môi trường. Tiếng nói của họ là về những vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của những người yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về việc tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phụ nữ chiếm 62,9% lực lượng lao động cả nước. Phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc, trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Phụ nữ được khuyến khích hoạt động kinh tế, khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khoảng cách giới trong các cấp bậc học hầu như không còn, trình độ học vấn của nữ giới ngày càng cao, phụ nữ tham gia giảng dạy nhiều hơn nam giới (cấp đại học, gần ½ là giảng viên nữ; cấp phổ thông, giảng viên nữ chiếm 2/3). Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển khoa học công nghệ. Điều kiện sống của phần lớn phụ nữ và trẻ em gái được cải thiện, kiến thức về chăm sóc sức khỏe được nâng lên, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, tuổi thọ trung bình của nữ là 76,5, so với nam là 71,1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia (theo số liệu năm 2023 về chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất SDG về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Quang cảnh cuộc tiếp

Quang cảnh cuộc tiếp

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà trong mỗi SDG đều lồng ghép những yếu tố về bình đẳng giới. Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong thúc đẩy bình đẳng giới như: Mất cân bằng giới tính khi sinh còn rất cao và có xu hướng gia tăng với tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái được sinh ra; tỷ lệ tảo hôn và có con sớm là khá cao ở phụ nữ dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại. Mặc dù được cải thiện, song phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm chính công việc chăm sóc gia đình không được trả lương, trong khi đó cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em, người ốm, người khuyết tật và người cao tuổi còn hạn chế đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng tham gia thị trường lao động của phụ nữ... Bên cạnh đó, số liệu để theo dõi, đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới hiện còn hạn chế.

Các đại biểu tại cuộc tiếp

Các đại biểu tại cuộc tiếp

Ghi nhận các đề xuất cụ thể của UN Women trong việc hỗ trợ Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị UN Women cung cấp và cập nhật thông tin khách quan về Chiến lược thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam để Chính phủ Việt Nam có thể chủ động đưa ra các động thái phù hợp; cung cấp và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định và thực thi chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới; hỗ trợ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về những thách thức và khó khăn chính trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và đề xuất sửa đổi; tổ chức hoạt động nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội về lồng ghép giới trong lập pháp luật, lập ngân sách đáp ứng giới, trong khuôn khổ rà soát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và xây dựng đề xuất sửa đổi Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Ủy ban Xã hội luôn coi trọng và ưu tiên các vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động, luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, giám sát việc thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và cùng với các cơ quan của Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, việc này đồng nghĩa với việc hoàn thành các chỉ tiêu về giới được lồng ghép trong các mục tiêu này.

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe

Tại cuộc tiếp, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của bão Yagi; bày tỏ tin tưởng người dân Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, cuộc sống của người dân và những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ sớm ổn định và trở lại bình thường.

Khẳng định quan hệ hợp tác giữa UN Women và Việt Nam là mối quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe nhấn mạnh đây cũng là một trong những vấn đề UN Women quan tâm ưu tiên. Trưởng Đại diện UN Women đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ, tích cực, hiệu quả trong các vấn đề cùng quan tâm để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe trao quà lưu niệm

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe trao quà lưu niệm

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu./.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=89055