Chủ nợ qua đời, con ruột có đòi nợ thay được không?

Cha cho vay nợ đã qua đời, con ruột có thể đòi nợ thay vì thuộc đồng thừa kế hàng thừa kế thứ nhất có quyền yêu cầu bên vay trả tiền.

Cha tôi cho bạn vay 100 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng, sau đó ông đột ngột qua đời. Tôi muốn đòi lại số tiền đó nhưng người này từ chối với lý do tôi không phải chủ nợ. Xin hỏi chủ nợ qua đời, con ruột có đòi nợ thay được không?

Bạn đọc Nam Vinh (TP.HCM)

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên; khi đến hạn, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Cũng theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Trong đó, quyền đòi nợ cũng là một loại tài sản (quyền tài sản) và người cho vay có quyền để thừa kế quyền đòi nợ của mình.

Do đó, trong trường hợp cha cho vay nợ đã qua đời, con ruột là đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền yêu cầu bên vay phải trả tiền. Nếu bên vay cố tình không trả thì các đồng thừa kế có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết và buộc bên vay phải trả tiền cho gia đình bạn.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất, cụ thể như sau:

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo đó, pháp luật Việt Nam cho phép lãi suất tối đa là 20%/năm (tương đương 1,67%/tháng) của khoản tiền vay. Phần lãi suất vượt quá 20%/năm tính trên các khoản vay giữa bên vay và bên cho vay là vi phạm pháp luật.

Do đó, khi khởi kiện thì phần vượt quá này có thể không được Tòa án xem xét. Riêng bên vay có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu phần vượt quá đó vô hiệu và yêu cầu phần đã trả lãi vượt quá quy định đó trừ vào tiền gốc, nếu vẫn còn dư ra thì bên vay có quyền yêu cầu bên cho vay trả lại phần vượt quá quy định cho bên vay.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-no-qua-doi-con-ruot-co-doi-no-thay-duoc-khong-post803522.html