Chư Pưh: Chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Những ngày qua, thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do đó, UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các xã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.
Toàn huyện Chư Pưh hiện có đàn vật nuôi khoảng 132.000 con, trong đó có 510 con trâu, 24.240 con bò, gần 24.000 con heo, hơn 16.400 con dê và khoảng 66.850 con gia cầm. Bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm từ động vật cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nguồn lây bệnh. Do đó, bên cạnh các biện pháp vệ sinh thú y, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, khu giết mổ, chợ buôn bán động vật và sản phẩm từ động vật... cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn và người dân chủ động triển khai nhiều giải pháp như: tiêm vắc xin nhằm tạo miễn dịch chủ động đối với các bệnh tụ huyết trùng, thương hàn, tiêu chảy... cho đàn vật nuôi.
Anh Ksor Sươk (làng Kly Phun, thị trấn Nhơn Hòa) cho hay: “Nhà tôi có 7 con bò, vừa rồi được cán bộ thú y xã tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Đến giờ, đàn bò vẫn khỏe mạnh”. Tương tự, chị Ksor H’Hngech (làng Đung, xã Ia Hrú) bày tỏ: “Gia đình tôi có 5 con bò. Vào mùa mưa, đàn bò thường bị bệnh. Năm nay nhờ được cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng tụ huyết trùng, lở mồm long móng nên sức khỏe đàn bò ổn định. Ngoài ra, họ còn hướng dẫn cách nhận biết các triệu chứng khi bò bị bệnh để xử lý kịp thời nên tôi rất yên tâm”.
Cùng với tiêm phòng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai Tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 nhằm ngăn chặn phát sinh, lây lan dịch bệnh, nhất là không để tái phát dịch tả heo châu Phi. Theo đó, Trung tâm đã cấp 155 lít hóa chất Benkocid cho các xã, thị trấn tiến hành phun khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực chợ, nơi giết mổ, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm và các phương tiện, dụng cụ vận chuyển, hố tiêu hủy gia súc, gia cầm chết... Đến nay, các địa phương đã phun khử trùng, tiêu độc được 153.600 m2 tại các khu vực chăn nuôi, chợ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Trình-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã điều trị khỏi cho hơn 100 con heo bị các bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh; định kỳ vệ sinh, phun thuốc khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi; chuẩn bị đủ thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm để tăng cường sức khỏe trong mùa mưa; tuyên truyền sử dụng con giống, sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
“Thời gian tới, cùng với phương châm phòng bệnh là chính, các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh từ khi mới phát sinh nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề xuất.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với cán bộ thú y xã, thị trấn đã tiêm phòng 11.700 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò chủng P52; tiêm 15.620 liều vắc xin kép heo; tiêm 600 liều vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.