Chư Pưh hồi sinh sau khủng hoảng hồ tiêu
Sau cuộc khủng hoảng do hồ tiêu chết hàng loạt và giá giảm sâu, cuộc sống của người dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang dần hồi sinh. Những vườn hồ tiêu từng bị bỏ hoang ngày nào đang được phục hồi nhanh chóng. Nét tươi vui đang hiện dần trên khuôn mặt người dân nơi đây.
Thăng trầm với cây hồ tiêu
Có một khoảng thời gian dài, nông dân Chư Pưh nổi tiếng về độ giàu có nhờ trồng hồ tiêu. Khi giá hạt tiêu đen đạt 250 ngàn đồng/kg, mảnh đất này có hàng trăm “tỷ phú chân đất”. Có tiền, người dân đua nhau xây dựng nhà cửa, tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Anh Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le) nhớ lại: “Trong giai đoạn 2010-2015, người dân trong vùng giàu lên nhanh chóng nhờ cây hồ tiêu. Với giá tiêu từ 100 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/kg, chúng tôi có thu nhập vài tỷ đồng mỗi vụ. Nhờ thế mà cuộc sống gia đình sang trang mới. Tôi xây nhà mới, mua xe ô tô, xe máy xịn và mua thêm gần 2 ha đất để mở rộng diện tích hồ tiêu”.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt, những căn bệnh xuất hiện không có thuốc đặc trị đã khiến hàng ngàn héc ta hồ tiêu chết trắng. Nhiều người lún sâu vào những khoản nợ ngân hàng mà không biết ngày nào trả được. Sau năm 2016, dạo quanh huyện Chư Pưh, không khó để bắt gặp những vườn hồ tiêu chỉ còn trơ hàng trụ, những bảng bán nhà, bán rẫy treo nhan nhản. Những buôn làng đìu hiu, xơ xác.
“Lúc đó, để có tiền trả nợ, chúng tôi chỉ còn cách bán nhà, bán rẫy. Mà khi đó, ai cũng nợ chồng nợ, tiền đâu mà mua. Vậy nên, bảng bán nhà, bán rẫy treo đến bạc phếch vẫn không có người hỏi đến”-ông Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Nhơn Hòa) bộc bạch.
Trước tình cảnh này, nhiều người dân phải bỏ xứ mưu sinh. Buổi chiều, ven quốc lộ 14 qua địa phận huyện Chư Pưh rất dễ gặp cảnh người dân đón xe vào các tỉnh, thành phố phía Nam làm công nhân. Ông Phạm Ngọc Kha-Bí thư Đảng ủy xã Ia Le-thông tin: “Giai đoạn đó, do hồ tiêu chết như ngả rạ mà chưa có loại cây trồng thay thế phát huy hiệu quả kinh tế nên người dân phải tha hương cầu thực. Riêng ở xã này có 500 hộ lần lượt âm thầm rời đi tỉnh xa làm ăn”.
Hồi sinh
Cấp ủy, chính quyền và người dân Chư Pưh triển khai nhiều biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế sau cơn khủng hoảng hồ tiêu. Một trong những biện pháp nhận được sự đồng tình của người dân là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương.
Mô hình trồng cây ăn quả có múi được triển khai rộng rãi ở thị trấn Nhơn Hòa và các xã: Ia Le, Ia Rong. Nhiều hộ đã thành công từ mô hình này như anh Phan Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le). Anh Tân đã phá bỏ vườn hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh chết chậm để tiên phong trồng 2.700 cây cam sành. Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh Tân lãi 200-300 triệu đồng.
Một trường hợp khác là anh Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa). Năm 2016, sau khi cây hồ tiêu chết, anh Tín trồng 8 sào mít Thái. “Sau 18 tháng, cây bắt đầu ra quả, mỗi quả nặng 10-20 kg. Hiện nay, với 2 vụ thu hoạch/năm, gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi trồng thêm 1,3 ha mít Thái xen bơ”-anh Tín phấn khởi nói.
Những hộ dân ít vốn thì chọn phương pháp “lấy ngắn nuôi dài” để vực dậy kinh tế gia đình. Mô hình trồng dâu nuôi tằm như anh Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le) là một ví dụ. Anh Chiến chia sẻ: “Sau thất bại từ cây hồ tiêu, tôi trồng dâu nuôi tằm. Giống này dễ nuôi, hiệu quả kinh tế khá cao mà lại ít vất vả. Nếu nuôi 4 hộp tằm giống thì sẽ có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Nuôi tằm chỉ tốn công đi hái lá dâu thôi, còn giống thì công ty cung cấp cho mình”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương mang lại tín hiệu khả quan, thắp thêm niềm tin cho bà con nông dân. Một tín hiệu vui là nhận thấy tiềm năng của huyện Chư Pưh, nhiều người dân từ vùng khác đã về đây mua đất làm nông nghiệp.
Từ Tây Ninh lên thị trấn Nhơn Hòa mua 3 ha đất để trồng măng tây, anh Bùi Duy Cường cho biết: “Tôi lên đây mua đất trồng là vì thấy thổ nhưỡng và khí hậu rất hợp với cây măng tây. Hiện cả 3 ha măng tây trồng theo mô hình sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật của chúng tôi phát triển rất tốt. Đợt tới, chúng tôi sẽ mua nhà và nhập khẩu ở đây luôn”.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa: “Toàn thị trấn hiện có 105 ha cây ăn quả có múi. Tất cả diện tích này đều chuyển đổi từ đất trước đây trồng hồ tiêu bị chết. Tới đây, chúng tôi tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập ổn định hơn. Chúng tôi nhận thấy, sau một giai đoạn lao đao với cây hồ tiêu thì những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội đã tươi sáng hơn. Minh chứng là thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2021 tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: “Những năm qua, chúng tôi tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững và chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tập trung chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Bước đầu, những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được các địa phương áp dụng đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.