Chư Pưh nâng cao chất lượng giáo dục
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất
Sau gần 10 năm gắn bó với Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Nhơn Hòa), cô giáo Đỗ Thị Hằng rất phấn khởi trước những đổi thay nơi đây. Cô Hằng kể: “Trước đây, cơ sở vật chất thiếu đủ bề, lớp học được dựng bằng ván, sân chơi thì nhếch nhác. Hiện nay, diện mạo của trường khang trang hẳn với hệ thống lớp học kiên cố, có đầy đủ các phòng chức năng, sân trường rộng rãi, thoáng mát”.
Còn với học sinh, được học tập trong ngôi trường có đầy đủ cơ sở vật chất giúp các em thêm hứng khởi, nỗ lực. “Em rất thích tới trường vì các tiết học đều rất cuốn hút. Em thích nhất bộ môn Tiếng Anh và Tin học vì có phòng nghe và phòng thực hành”-em Ralan H’Junhi (lớp 8A2) bày tỏ.
Hiện nay, Trường THCS Nguyễn Trãi có 43 cán bộ, giáo viên và trên 1.000 học sinh, trong đó 370 học sinh là người dân tộc thiểu số. Thầy Lê Minh Đức-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 vào năm 2018. Ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương, chúng tôi cũng huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; xây dựng khuôn viên “xanh-sạch-đẹp-an toàn, thân thiện và hiệu quả”.
Năm học 2020-2021, toàn huyện Chư Pưh có 31 đơn vị trường học với tổng cộng 507 phòng học, gần 20 ngàn học sinh. Trên địa bàn huyện không còn tình trạng phòng học tạm, học sinh đều được đảm bảo nơi học tập.
Có được điều đó là nhờ trong năm học trước, ngành GD-ĐT huyện đã kêu gọi các nguồn lực để đầu tư xây dựng cổng hàng rào Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, làm sân bê tông Trường THCS Dân tộc Nội trú (thị trấn Nhơn Hòa), sân bê tông điểm trường Plei Lốp và Plei Ngăng (Trường Tiểu học Kpă Klơng, xã Chư Don)... Đồng thời, triển khai tu sửa 2 phòng thư viện đạt chuẩn cho 2 trường Tiểu học trên địa bàn với tổng kinh phí 835 triệu đồng; mua sắm trang-thiết bị, dụng cụ dạy học, hệ thống lọc nước cho tất cả các trường với tổng kinh phí 5,37 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện thường xuyên kiểm tra công tác bảo quản trường lớp, trang-thiết bị dạy học; tham mưu bố trí kinh phí kịp thời đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp; chỉ đạo các trường học tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục nhằm dần hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học, nâng cao tiêu chí xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí nông thôn mới.
Đổi mới công tác dạy và học
Với đặc thù 100% học sinh đều ở nội trú nên Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh xác định phải tạo cho các em môi trường sinh hoạt và học tập tốt nhất. Nhà trường xây dựng thời gian biểu, lập khẩu phần ăn theo từng ngày, rèn luyện các em vào khuôn khổ trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thường xuyên phụ đạo kiến thức cho học sinh.
Thầy Trần Thanh Bình-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: “Nhà trường luôn tạo điều kiện cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp dạy học tích cực. Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chuyển mạnh sang hướng trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường cũng tích cực hưởng ứng và thực hiện các cuộc vận động của ngành và địa phương”.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Chư Pưh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt 99,3%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 96%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình đạt 100%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%... Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 17 trường đạt chuẩn (chiếm 53,1%).
Theo ông Đậu Sỹ Quốc-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pưh, thời gian qua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng ở các trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Hiện nay, Phòng GD-ĐT huyện đang tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu của toàn ngành; xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả ngân hàng đề; tiếp tục phát động giáo viên tham gia thiết kế bài giảng e-Learning; làm quen với mô hình giáo dục điện tử… Đặc biệt, các trường học chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện địa phương và đối tượng học sinh của nhà trường.