Chư Pưh trao sinh kế giúp người dân thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực nhằm đa dạng hóa sinh kế, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Hàng ngàn hộ nghèo được hưởng lợi
Xã Ia Hrú có trên 51% dân số là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế về trình độ, kỹ thuật canh tác, tình trạng thiếu đất, vốn sản xuất của đại bộ phận hộ nghèo cũng khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn.
Trước thực trạng đó, từ năm 2023 đến nay, xã Ia Hrú phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh tiến hành rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực vững nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, xã triển khai mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại các thôn, làng: Lũh Yố, Tong Yong, Tao Chor, Plei Đung và Plei Dư với 54 hộ nghèo, cận nghèo được cấp 54 con bò giống. Cùng với đó, xã tổ chức các lớp học nghề cho người dân về cách chăm sóc, phòng bệnh cho trâu, bò để phát triển chăn nuôi bền vững.
Năm 2014, chị Siu H’Yin (làng Tao Chor) lập gia đình và ra ở riêng. Được bố mẹ cho mảnh đất để dựng tạm ngôi nhà, nhưng chỉ có 2 sào ruộng và 2 sào đất rẫy sản xuất nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là khi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình chị H’Yin, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để chị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chị được hỗ trợ thêm 1 con bò sinh sản và tạo điều kiện tham gia lớp học về chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc.
“Trước đây, tôi chỉ biết chăn nuôi theo cách tự phát nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao; bò bị bệnh cũng không biết cách chữa trị kịp thời. Còn bây giờ, tôi đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi bò, biết chẩn đoán bệnh, cách tiêm thuốc, tính toán liều lượng thuốc phù hợp... Tôi sẽ chăm sóc bò phát triển thật tốt để có thêm thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”-chị H’Yin vui mừng nói.
Tương tự, việc chăm lo, hỗ trợ người nghèo cũng được chính quyền xã Ia Phang đặc biệt quan tâm. Xã đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Phung, trong đó, đã cấp hàng chục con bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi.
Cũng như nhiều hộ dân trong làng, gia đình bà Siu H’Pem chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả kinh tế thấp. Mặc dù có 3 sào đất trồng mì, 3 sào ruộng và 2 người con trai trong độ tuổi lao động thế nhưng gia đình bà H’Pem vẫn thuộc diện hộ nghèo.
“Vừa qua, Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho gia đình 1 con bò sinh sản và tạo điều kiện cho con trai mình tham gia lớp học về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh trâu, bò để có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Thời gian tới, mình sẽ vay thêm vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm bò về nuôi nhằm tạo thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững”-bà H’Pem chia sẻ.
Còn anh Siu Te (con trai bà H’Pem) thì cho biết: “Tháng 10 vừa qua, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia lớp học nghề chăn nuôi và phòng bệnh trâu, bò. Nhờ vậy, tôi biết cách để chăm sóc và phòng ngừa các bệnh thường gặp trên đàn bò cũng như cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho đàn bò trong từng giai đoạn. Tôi hứa sẽ chăm sóc cũng như phát triển đàn bò ngày càng nhiều để cuộc sống của gia đình tốt hơn”.
Từ năm 2023 đến nay, triển khai Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Chư Pưh đã triển khai 49 mô hình hỗ trợ bò, dê, dâu tằm trên địa bàn 9 xã, thị trấn với hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình hơn 17,2 tỷ đồng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Ksor Pheng-Phó Trưởng thôn Plei Phung-cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ từ các dự án, số hộ nghèo trong thôn từ 50 hộ (năm 2023) giảm xuống còn 38 hộ. Hy vọng bà con nhận thức được rằng, những con bò giống do Nhà nước hỗ trợ chỉ là bước khởi đầu. Việc phát triển đàn bò, chăm sóc tốt sẽ giúp họ cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ để người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo”.
Tính đến cuối năm 2024, số hộ nghèo của huyện Chư Pưh giảm xuống còn 1.263 hộ, chiếm 6,8%; số hộ cận nghèo giảm còn 1.448 hộ, chiếm 7,8%.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang: Trong năm 2024, xã đã phối hợp triển khai nhiều mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, xã đã hỗ trợ 106 con bò sinh sản cho 106 hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn, làng: Plei Iake, Plei Briêng, Thơh Nhueng, Chư Bố 2 và Plei Phung. Các nguồn lực hỗ trợ đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của xã còn 10,34%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao so với mặt bằng chung của huyện. Trong đó, phần lớn hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp truyền thống và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
“Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên trong lao động sản xuất, chúng tôi tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình đa dạng hóa sinh kế. Đồng thời, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang nêu giải pháp.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,76%, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đó, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đổi mới phương thức, cách thức tiếp cận góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân.
“Đặc biệt, huyện sẽ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án thuộc chương trình MTQG; lồng ghép nguồn lực của các chương trình MTQG với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác ở địa phương để phát huy hiệu quả.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các xã đặc biệt khó khăn, thôn, làng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó là đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện”-ông Trường thông tin thêm.