Chư Pưh ưu tiên phát triển kinh tế hợp tác
Những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) chú trọng hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác. Đây được xem là hướng đi cần thiết nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông-công nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Hiệu quả khi “nối vòng tay lớn”
Từ khi tham gia Hợp tác xã (HTX) May gia công Bảo Thịnh, chị Nguyễn Thị Ánh Nhung (thôn Briêng, xã Ia Phang) đã có công việc ổn định với mức thu nhập hàng tháng khoảng 6 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình chị đỡ vất vả hơn.
“Nhà tôi không có đất sản xuất nên vợ chồng chỉ biết làm mướn để kiếm tiền lo cho 3 con nhỏ, thu nhập rất bấp bênh. Cuối năm 2018, tôi được chị em vận động tham gia HTX May gia công Bảo Thịnh. Lúc đầu vừa học vừa làm nên mỗi tuần, tôi chỉ hoàn thành được 5-6 sản phẩm. Hiện nay, tôi có thể may xong 60-70 cái áo trong vòng 3-4 ngày. Ngoài ra, vì làm việc tại nhà nên tôi còn có điều kiện chăm lo cho gia đình, đưa đón con đến lớp và chăn nuôi thêm để phát triển kinh tế”-chị Nhung phấn khởi chia sẻ.
Hợp tác xã May gia công Bảo Thịnh lúc mới thành lập có 37 thành viên, đến nay đã tăng lên 45 người. Đây là HTX phi nông nghiệp duy nhất trên địa bàn huyện Chư Pưh. Sau hơn 1 năm hoạt động, HTX đã cho thấy hiệu quả trong việc liên kết sản xuất-kinh doanh với doanh thu năm 2019 đạt gần 1,5 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Kiều Dung-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Điều hành HTX-cho hay: “Hợp tác xã đã ký hợp đồng với các công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh để nhận gia công sản phẩm, trung bình hàng tháng khoảng 5 lô, mỗi lô 1.200-1.500 sản phẩm. Tùy theo khả năng của mình mà mỗi thành viên nhận may 40-70 sản phẩm/đợt, được trả tiền công 5-8 triệu đồng/tháng”.
Tương tự, kể từ khi thành lập vào năm 2017 đến nay, HTX Nông-Lâm nghiệp Ia Hrú (thôn Tao Chor, xã Ia Hrú) cũng giúp nhiều nông dân ở địa phương có cuộc sống tốt hơn. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Huỳnh Văn Ánh, doanh thu năm 2019 của HTX đạt 1,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chia cho các thành viên là 750 triệu đồng. Hợp tác xã đã đứng ra ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các thành viên; cho ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác.
“Từ năm 2018 đến 2019, HTX triển khai cho 18 hộ dân trồng chanh dây với diện tích 15 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Tiếp đó, HTX trồng lúa Kê Lau, một giống lúa 6 tháng truyền thống của đồng bào Jrai địa phương, cho cơm mềm, dẻo và thơm. Sau khi trồng thử nghiệm 4 ha, tháng 6-2020, HTX đã nhân rộng lên 14 ha với 20 thành viên tham gia, năng suất dự kiến đạt 3 tấn/ha. Chúng tôi cũng tiến hành chế biến gạo, đóng gói bán ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg; đồng thời từng bước xây dựng nhãn hiệu gạo Kê Lau của HTX để nâng cao giá trị kinh tế của mặt hàng này, tăng thu nhập cho các thành viên”-ông Ánh thông tin.
Đang chăm sóc ruộng lúa Kê Lau vừa xuống giống được hơn 1 tháng, ông Rơ Lah Chăm (thôn Lũh Rưng, xã Ia Hrú) vui vẻ nói: “Nhờ có HTX đứng ra hướng dẫn, liên kết, bao tiêu đầu ra nên bà con đã sống ổn định hơn nhờ cây lúa. Tôi cũng rất mừng khi thấy giống lúa truyền thống của dân tộc mình giờ có cơ hội được bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế”.
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX
Huyện Chư Pưh hiện có 25 HTX (tăng 2 HTX so với năm 2019) với 238 thành viên; tổng vốn điều lệ trên 51,3 tỷ đồng; hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thời gian qua, UBND huyện cũng đã tích cực tuyên truyền và tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các HTX khi thực hiện chuyển đổi mô hình sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn; đồng thời triển khai xây dựng điểm 3 HTX và tổ chức nhiều hội nghị để đề ra các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX cũng như thiết lập “chuỗi cung cầu nông sản Việt”. Các HTX đã bước đầu thể hiện được vai trò liên kết, hỗ trợ, tạo thu nhập chính đáng cho thành viên.
Ông Đặng Xuân Tài-Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Pưh-cho biết: “Đẩy mạnh kinh tế tập thể không chỉ là cơ sở để hỗ trợ thành viên của từng HTX mà còn là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Do vậy, thời gian đến, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với HTX; tổ chức các hội thảo, phiên chợ nông sản hàng năm để các HTX, tổ hợp tác tham gia; xây dựng mô hình HTX liên kết bền vững với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, huyện cũng sẽ có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc để tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX”.