Chủ quán net, phòng tập gym ngán ngẩm vì ế ẩm, nguy cơ phá sản

Phòng tập gym, quán net đầu tư hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đang gặp khó khăn, nhiều phòng tập, cửa hàng đã phải đóng cửa vì không bù lỗ nổi.

Hàng net chuyển sang đào bitcoin, thanh lý máy đóng cửa hàng

Từ thời điểm cuối tháng 4/2021 đến nay, một loạt quán Internet từ nhỏ cho đến các quán lớn tại Hà Nội và các tỉnh đều trong tình trạng đóng cửa. Các cửa hàng net đều thuộc diện chưa biết bao giờ được mở lại, khi là địa điểm có nguy cơ lây lan cao.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều chủ quán phải đối diện cảnh không có doanh thu, trong khi các chi phí như tiền thuê nhà, tiền nhân viên, tiền mạng, tiền bản quyền phần mềm quản lý phòng máy vẫn phải chi ra.

Anh Nguyễn Văn Dũng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) một chủ cửa hàng net cỡ lớn 120 máy cho biết: “Mấy tháng dịch tận dụng dàn máy cài phần mềm, mua giá đỡ VGA và sắm thêm nguồn công suất lớn để đào coin (tiền ảo). Việc đào coin bù 70 triệu đồng tiền mặt bằng và tiền điện, còn lại lời không thấy đâu, khách thì không có”.

Quán net đóng cửa nhiều tháng nay người kinh doanh gặp khó. (Ảnh: KT)

Quán net đóng cửa nhiều tháng nay người kinh doanh gặp khó. (Ảnh: KT)

Với một số chủ quán net không chuyển đổi kinh doanh, không còn chờ đợi được thời gian mở cửa đã thanh lý toàn bộ dàn máy, bàn ghế… để cắt lỗ. Anh Nguyễn Văn Vương một chủ cửa hàng ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) với phòng net 40 máy đầu tư hơn 600 triệu đồng đã thanh lý toàn bộ cửa hàng, dù chỉ thu lại một phần tiền đầu tư nhưng theo anh Vương, mình may mắn khi thanh lý được cửa hàng.

“Dịch bệnh vẫn phức tạp, chắc gì đến Tết đã được mở, thời buổi này làm net là mang cái nợ trên đầu, giờ khó tìm người mua lại dàn máy, thiết bị trong hàng net lắm” - anh Vương nói.

Dạo qua những group cộng đồng chủ quán net trên mạng xã hội, không khó để tìm thấy những bài đăng rao bán hay thanh lý toàn bộ thiết bị của hàng để chuyển hướng kinh doanh. Từ những quán net bình dân với dàn máy cấu hình thấp/ tầm trung hay cả những quán lớn với quy mô lên tới cả trăm máy cùng hệ thống thiết bị đi kèm hiện đại cũng đang được chủ quán rao bán, thanh lý ở thời điểm hiện tại.

Anh Đinh Đức Linh một quản lý và phát triển các dự án game cho biết: “Dịch vụ kinh doanh Internet công cộng đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các cửa hàng phải đóng cửa chuyển hướng kinh doanh. Sự chuyển dịch này cũng đã tác động thị trường game cho PC (máy tính) không phát triển mà thay bằng chuyển đổi sang các game mobi, trong trung hạn, kinh doanh Internet công cộng sẽ còn khó khăn”.

Phòng tập gym nơi đóng cửa thanh lý cửa hàng, chỗ mở ra thì ế ẩm. (Ảnh chụp màn hình)

Phòng tập gym nơi đóng cửa thanh lý cửa hàng, chỗ mở ra thì ế ẩm. (Ảnh chụp màn hình)

Phòng tập gym mở cửa vẫn bù lỗ, lượng khách thưa thớt

Cùng với các cửa hàng net, phòng tập gym cũng nhiều tháng đóng cửa vì dịch. Sau khi vừa được mở lại từ tháng 11, tình hình dịch bệnh Hà Nội tăng lên cấp độ 2, thành phố yêu cầu hoạt động thể dục thể thao trong nhà giảm quy mô phòng tập. Cụ thể, công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm; hàng ngày cơ sở cung ứng dịch vụ phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trang thiết bị.

Anh Phạm Ngọc Duy chủ một phòng tập gym tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Kinh doanh phòng gym chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Tiền thuê mặt bằng kinh doanh, tiền điện, nước, tiền lương nhân viên… nhiều khoản đè nặng lên người kinh doanh phòng tập, trong khi có dịch là phải đóng cửa đầu tiên do là địa điểm có nguy cơ cao và chỉ được mở lại sau cùng khi hết dịch”.

Không ít chủ phòng gym đã đóng cửa phòng tập, chọn hướng kinh doanh khác dù bao tâm huyết và đầu tư rất nhiều. Có những phòng tập đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng giờ sang nhượng giá chưa đến 1/4 tiền đầu tư vẫn không tìm được khách. Trên các hội nhóm phòng tập gym, không ít "ông chủ" đăng tin rao bán phòng tập như “không thể cầm cự được, thanh lý phòng tập” hay “thanh lý giá rẻ”…

Một chủ phòng tập gym cho biết, từ khi Hà Nội cho mở cửa lại phòng tập với yêu cầu tập trung không quá 30 người nhưng tới nay phòng tập không lúc nào quá 10 người.

“Tình hình dịch bệnh khiến nhiều người ngại đến phòng tập, nên được mở nhưng vẫn ế ẩm và phải bù lỗ nhiều. Nếu dịch còn kéo dài đến cuối năm thì hầu hết các phòng gym không cầm cự được phải đóng cửa do chi phí mặt bằng cao mà nguồn thu không có, không bù lỗ nổi, vay ngân hàng cũng khó vì máy móc khó được định giá” - chủ phòng tập gym nói./.

Phương Hoài/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chu-quan-net-phong-tap-gym-ngan-ngam-vi-e-am-nguy-co-pha-san-903325.vov