Chủ quan sau khi bị ngã, người đàn ông phải mổ cấp cứu vì máu tụ
Nam bệnh nhân 63 tuổi ở Phú Thọ bị máu tụ dưới màng cứng do tai nạn lao động 2 tháng trước, được Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê phẫu thuật.
Khai thác tiền sử bệnh sau tai nạn bị ngã từ độ cao 2m, ông L. vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên chủ quan, không đi khám. Gần đây, ông L. thường xuyên mệt mỏi, đi không vững, đau đầu nên đến TT Y tế Cẩm Khê khám, chụp cộng hưởng từ sọ não. Tại đây, ông L. được bác sĩ yêu cầu mổ cấp cứu do tụ máu dưới màng cứng.
Bác sĩ chuyên khoa II Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, cho biết các bác sĩ phải khoan sọ một lỗ, bơm rửa dẫn lưu máu tụ để lấy máu tụ dưới màng cứng. Đây là phương pháp tối ưu, không can thiệp mổ hộp sọ, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu, phục hồi nhanh.
Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, sinh hoạt bình thường.
Cũng theo bác sĩ Giang Hoài Đức, tụ máu dưới màng cứng cấp đe dọa đến tính mạng cần được phẫu thuật cấp cứu. Những bệnh nhân khi bị chấn thương đầu cần phải được chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) đế đánh giá chính xác mức độ tổn thương, từ đó bác sĩ có cơ sở để đưa ra phương pháp điều trị, tránh để lại biến chứng và di chứng.
Triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng phụ thuộc vào độ nặng của chấn thương và kích cỡ, cũng như vị trí của khối máu tụ. Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay lập tức hoặc sau một vài tuần kể từ khi chấn thương đầu.
Một số người sau khi gặp chấn thương lúc đầu có vẻ ổn, vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường. Tuy nhiên, sau đó áp lực trong não gây ra do khối tụ máu có thể bắt đầu dẫn đến các triệu chứng như: mất ý thức hoặc thay đổi độ tỉnh táo; nôn; đau đầu; chóng mặt, mất khả năng định hướng, nói ngọng; mất trí nhớ, co giật; thay đổi tính cách; yếu một bên chi...
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, VTV)