Chủ quan với bệnh đái tháo đường - hậu quả khôn lường

Nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường nhưng không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ đã phải nhận những hậu quả nặng nề.

Ông N.H.P. ở Tứ Kỳ đã nhiều lần bị ngã, ngất xỉu và phải nhờ tới sự chăm sóc của nhân viên y tế do chưa tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường

Ông N.H.P. ở Tứ Kỳ đã nhiều lần bị ngã, ngất xỉu và phải nhờ tới sự chăm sóc của nhân viên y tế do chưa tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường

Biến chứng nguy hiểm

Hơn 1 tháng qua, ông N.H.P. ở Tứ Kỳ - một bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 đã 3 lần phải tới cơ sở y tế ở địa phương để xử lý những vết thương trên vùng đầu do bị ngã. Lần gần nhất ông P. đang quét dọn thì bị ngã đập đầu xuống sân, máu chảy lênh láng, bất tỉnh. May mắn là ông được đưa đi cấp cứu kịp thời. “Ông ấy không chịu uống thuốc đều, ăn uống lại không theo chỉ dẫn của bác sĩ, thỉnh thoảng vẫn uống rượu vặt nữa nên đường huyết thường xuyên bị tụt. Gia đình rất lo lắng khi tình trạng này của ông ấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Bác sĩ dặn tôi từ giờ lúc nào cũng phải ở nhà trông nom chồng vì nếu không may mà bị ngã ra, đầu đập vào vật cứng là nguy cơ tử vong rất cao”, bà N.T.T. (vợ ông P.) buồn rầu nói.

Ông N.V.H. ở TP Hải Dương phát hiện bị đái tháo đường gần 10 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị ông không tuân thủ nghiêm hướng dẫn của bác sĩ nên bệnh ngày càng trở nặng. Hậu quả là hơn 1 năm nay, cả hai mắt của ông H. mờ dần, nguy cơ mù lòa đã hiện hữu. “Mấy năm đầu bị bệnh, tôi thấy sức khỏe của mình vẫn bình thường thế là ăn uống chẳng kiêng khem mấy. Giờ xảy ra biến chứng thấy ân hận thì cũng đã muộn”, ông H. tự trách móc bản thân.

Thực tế không hiếm bệnh nhân mắc đái tháo đường đã phải tái nhập viện điều trị nhiều lần do gặp những biến chứng liên quan đến tim mạch, tắc mạch máu não, tắc mạch chi, mắt, răng... Những bệnh nhân này dù đã được bác sĩ tư vấn rất kỹ nhưng nhận thức, ý thức kiểm soát bệnh tật hạn chế khiến bệnh ngày càng nặng và khó kiểm soát.
Bác sĩ Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) Phạm Tuấn Thắng cho biết có nhiều bệnh nhân thường xuyên quên uống thuốc. Cũng không ít bệnh nhân uống thuốc đều nhưng vẫn sử dụng rượu bia, bỏ bữa gây ra tình trạng hạ đường huyết, hậu quả là bị ngã, ngất xỉu, hôn mê. Những trường hợp này nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao...

Thực tế có nhiều bệnh nhân hiểu rất rõ sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường nhưng vì tính chất công việc mà chưa thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ. Chị T.T.T. quê ở huyện Ninh Giang vừa phải nhập viện lần thứ hai vì đái tháo đường chia sẻ: “Tôi biết bị bệnh này ăn nhiều là không ổn cho sức khỏe. Nhưng vì là công nhân nên tôi phải ăn thì mới có sức làm việc. Bị bệnh này rồi tôi mới thấy việc kiểm soát nó không hề dễ dàng”.

Ý thức của người bệnh rất quan trọng

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và đang là một trong những bệnh không lây nhiễm đáng lo ngại nhất hiện nay. Trên thế giới hiện có gần 600 triệu người mắc căn bệnh này, tại Việt Nam có từ 5-6 triệu người. Số bệnh nhân mắc đái tháo đường có thể còn gấp 3-4 lần con số hiện tại bởi rất nhiều người không khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi phát bệnh buộc phải đến cơ sở y tế thì mới phát hiện ra.

Bác sĩ Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương Phạm Tuấn Thắng thăm khám một bệnh nhân mắc đái tháo đường

Bác sĩ Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương Phạm Tuấn Thắng thăm khám một bệnh nhân mắc đái tháo đường

Số bệnh nhân mắc đái tháo đường tại Hải Dương cũng ngày càng nhiều và đang dần trẻ hóa. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng đã tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân mắc đái tháo đường vào điều trị, tăng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước. Hiện không ít trẻ mới chỉ 10 tuổi đã mắc đái tháo đường - điều trước đây rất hiếm gặp.

Hiện các chuyên gia chưa tìm được nguyên nhân cụ thể của bệnh đái tháo đường nhưng xác định lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân chủ đạo. Việc ăn uống không kiểm soát cộng với việc lười vận động làm cho nguy cơ mắc đái tháo đường ở mọi lứa tuổi ngày càng lớn. Tình trạng người dân lười đi khám sức khỏe định kỳ khá phổ biến, khi phát hiện bệnh đã muộn cộng với ý thức hạn chế dẫn tới việc kiểm soát bệnh rất khó khăn, dễ dẫn tới những biến chứng nặng nề.

Bác sĩ Phạm Tuấn Thắng cho biết trên thế giới hiện chưa tìm ra phương thuốc nào chữa được dứt điểm bệnh đái tháo đường. Bệnh này sẽ đeo bám người ta suốt đời nếu không may mắc phải. Đáng lo ngại là những biến chứng mà đái tháo đường gây ra rất nặng nề. “Các loại thuốc hỗ trợ điều trị chỉ đóng vai trò 50%, hành động của người bệnh sẽ quyết định 50% còn lại tới việc có kiểm soát được tình trạng bệnh tật hay không. Nói như vậy để thấy rằng ý thức của bệnh nhân mắc đái tháo đường là rất quan trọng, phải thực sự kiên trì tuân thủ đúng hướng dẫn để sống an toàn với bệnh tật”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân mắc đái tháo đường phải uống thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo trên mạng rồi tự ý mua thuốc về sử dụng. Chế độ ăn uống không phải kiêng khem quá nhiều nhưng cần khắt khe hơn với chính bản thân. Người bệnh cần hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, tiết canh, nội tạng động vật, giảm tinh bột, tăng cường nhiều chất xơ... Ăn thành nhiều bữa trong ngày là tốt nhất và không nên ăn quá no. Người trẻ tuổi thì càng phải duy trì chế độ kiểm soát ăn uống khắt khe hơn người già. Mỗi người nên trang bị một máy đo đường huyết tại nhà để hỗ trợ việc kiểm soát bệnh tật tốt hơn.

Cùng với duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tích cực tập luyện thể dục thể thao thì việc đi khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp người dân chủ động phòng tránh bệnh đái tháo đường tốt hơn.

MỸ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chu-quan-trong-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-hau-qua-khon-luong-359768.html