Chủ quyền nhân dân - nguồn gốc tính chính đáng của Nhà nước

Chủ quyền nhân dân, công bằng, công lý, quyền con người… là những vấn đề được nhiều học giả thẳng thắn bày tỏ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính vào sáng nay.

Sáng nay, 11-12, nhiều “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật đã được mời dự một hội thảo lớn phục vụ cho việc hình thành đề án “chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chủ trì và trực tiếp lắng nghe là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các vị Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng đề án gồm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp tổ chức chùm ba hội thảo, trong đó cuộc đầu tiên này là để làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực hiện đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thủ tướng nhắc tới “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Yêu sách của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc, 1919), để thấy Việt Nam những buổi đầu lập nước đã được thành hình từ những giá trị phổ biến, phổ quát về nhà nước pháp quyền (NNPQ). Chính thể ấy, từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Đảng đã chính thức xác định mục tiêu xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Quá trình xây dựng NNPQ những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu được Nhân dân ghi nhận, nhưng Đại hội XIII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ là công tác này “có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”.

Vậy nên Ban Chỉ đạo mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thẳng thắn, bám sát thực tiễn để cùng nhìn thẳng vào sự thật, đóng góp cho việc nghiên cứu đề án.

Sự trở lại của “chủ quyền nhân dân”

Gói gọn trong một buổi sáng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe tham luận của các GS Hoàng Chí Bảo, Đào Tri Úc, Trần Ngọc Đường, Võ Khánh Vinh, Nguyễn Minh Đoan và hai PGS Trần Quốc Toản, Vũ Công giao về các chủ đề khác nhau, trong đó có những đề xuất cụ thể cho việc hoàn thiện NNPQ trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan với quyền lực Nhà nước, Nhà nước phái đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người.

Đáng chú ý, cả nhà khoa học và những đại biểu đến từ hoạt động thực tiễn đều khẳng định chủ quyền Nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước. Đây là vấn đề từng được thảo luận tới trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, và có lúc “quyền lực nhân dân” đã được đưa vào dự thảo Hiến pháp 2013 ở vị trí trang trọng.

Các tham luận đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, nhưng đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Trong đó Nhân dân phải ở vị trí thương tôn, cao nhất trong thể chế pháp quyền – điều đã được Hiến pháp 1946 nêu rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Quá trình thận trọng, lâu dài

Đáp lại mong muốn của các vị chủ tọa, bước vào phần thảo luận, GS Phan Trung Lý đã thẳng thắn đánh giá: "Tư tưởng NNPQ xuất hiện ở Việt Nam rất sớm, nhưng đã có lúc cụm từ này không được dùng tới”.

Theo ông, ngay cả khi NNPQ đã được Đảng chính thức thừa nhận trong quá trình đổi mới, đưa vào Cương lĩnh thì quá trình xây dựng, hoàn thiện NNPQ vẫn diễn ra với không ít khó khăn. Khẳng định “Đảng thận trọng là cần thiết”, ông Lý – từng tham gia quá trình sửa đổi Hiến pháp 8 năm trước với tư cách Trưởng ban Biên tập, phán đoán hoàn thiện NNPQ thời gian tới sẽ là quá trình lâu dài, và sẽ luôn xuất hiện những tranh luận về quan điểm, nhận thức. Ngay cả khi đã thống nhất về một vấn đề nào đó, thì khi triển khai cũng không dễ dàng.

“Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đều sợ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vậy ở thời điểm này, tôi có một nỗi sợ khác, đó là bẫy lý luận trung bình. Lý luận về NNPQ mà trung bình không thể phát triển tiếp được” – GP Phan Trung Lý trăn trở trong sự lắng nghe của nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cùng các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Tới lượt GS Hoàng Thế Liên, nội dung đề cập không phải là những ngập ngừng trong quá trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, ban hành năm 2002, 2005 mà ông có cơ hội trực tiếp tham gia, chắp bút. Trong mấy phút ngắn ngủi, ông nhắc lại khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển, từng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tới nhiều lần khi là Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ.

“Hoàn thiện NNPQ chính là để xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển mà ở đó đề cao, cụ thể hóa hơn trách nhiệm giải trình của Nhà nước, từng cơ quan nhà nước, công chức nhà nước trước Nhân dân. Quá trình ấy đòi hỏi phải xử lý, làm rõ hơn mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân – trách nhiệm tập thể, một vấn đề rất thách thức cho dù các đồng chí lãnh đạo trong các phát biểu của mình luôn nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân” – ông Liên nói.

Chủ tịch nước: “Đảng đã cân nhắc kỹ lưỡng”

Được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đầu tháng 7 đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên với các chuyên gia, nhà nghiên cứu để lên kế hoạch triển khai công việc. Nay cùng với các vị trong Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo, ông bày tỏ vui mừng khi nhiều nhà khoa học tiếp tục gửi bài viết và tham luận, phát biểu tâm huyết, thẳng thắn. Qua đó cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, quan trọng về NNPQ và NNPQ XHCN Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu bế mạc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu bế mạc

Chủ tịch nước nhắc lại các tư tưởng Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật, tư tưởng về chủ quyền nhân dân, tư tưởng về công bằng, công lý, quyền con người… liên tục được nhấn mạnh trong hội thảo.

Khẳng định các tư tưởng ấy trong xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam mấy chục năm qua cũng là quá trình đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng, từ tư duy nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy NNPQ XHCN.

"Xây dựng và hoàn thiện NNPQ thời gian tới vì vậy không chỉ là ước mơ, khát vọng, và là sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển mà còn là để phát huy những giá trị tiến bộ của nó để phát triển đất nước. Đây là những vấn đề được “Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng” – Chủ tịch nước phát biểu bế mạc.

Với các bài viết, tham luận, ý kiến đa dạng gửi tới hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổ Biên tập nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu để tìm ra cách thức, biện pháp hóa giải những hạn chế, vướng mắc trong lý luận, nhận thức cũng như từ chính các quy định của Đảng, Nhà nước hiện thời để hình thành đề án xây dựng, hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chu-quyen-nhan-dan-nguon-goc-tinh-chinh-dang-cua-nha-nuoc-1033100.html