Chú Sanh

Dư luận đang râm ran về việc xưng hô trong trường học giữa giáo viên và học sinh, rồi rộng ra là cách xưng hô trong công sở của người Việt. Quả là tiếng Việt cũng phức tạp. Hồi mới ra trường, tôi cũng xưng hô với ông sếp mà tôi rất yêu quý, tới tận giờ, dù ông mất đã lâu, ấy là tôi (và rất nhiều người đồng lứa tôi) gọi ông bằng chú và gọi vợ ông bằng... chị.

Ông là Trịnh Kim Sung-nguyên Trưởng ty Giáo dục Gia Lai-Kon Kum, Đài Phát thanh Kon Tum, Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-Kon Tum.

Tên hồ sơ là Sung, nhưng khi hoạt động trong vùng bà con Tây Nguyên, ông được gọi chệch là Sanh, bởi Sung là từ hơi... tế nhị.

Đấy là con người rất kỳ lạ. Học hành không nhiều, nhưng sự hiểu biết về đời sống, về văn hóa của ông, tới giờ vẫn rất nhiều người, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ phải nể.

Khi tôi lên nhận công tác thì ông đương là Trưởng ty Văn hóa. Tìm hiểu sơ thì thấy 2/3 cán bộ cơ quan là chưa qua đào tạo. Một số là bộ đội tăng cường sang làm lãnh đạo cấp phòng, một số lớn được tuyển cấp tốc từ miền Bắc vào, tiêu chuẩn là học hết cấp III. Do đó, văn hóa được mặc định là leo trèo kẻ vẽ, là cờ đèn kèn trống, là loa kèn máy nổ...

Nhưng ông thì nghĩ khác. Ông luôn nghĩ văn hóa chính là toàn bộ đời sống xã hội. Nó vừa là phương tiện lại chính là mục đích sống, mục đích để con người vươn tới. Và ông đau đáu về việc ấy. Và giữa dàn cán bộ như thế, ông luôn bị cô đơn. Cô đơn nhưng ông vẫn quyết làm.

Ông ra Hà Nội bàn việc phối hợp với Viện Văn hóa mời các nhà khoa học vào khảo sát về văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum, mở đầu bằng Bahnar. Kết quả của cuộc hợp tác mấy năm ấy là cuốn “Fonclo Bahnar” mà giờ ai muốn nghiên cứu về văn hóa Bahnar, về Tây Nguyên đều phải có. Và mối tình của ông với một chị trong đoàn để sau này là vợ ông, người sưu tầm, phối hợp dịch cuốn “H’amon Đăm Noi” trong đợt công tác ấy, chị Phạm Thị Hà.

Rồi ông đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum cũng có một cuốn kỷ yếu rất chất lượng về văn hóa Tây Nguyên. Ông mời các nhà khoa học như: Tô Ngọc Thanh, Từ Chi, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Tấn Đắc; các nhà văn như: Kim Lân, Mạc Phi, Hữu Thỉnh, Trung Trung Đỉnh và các nhạc sĩ Văn Thắng, Xuân Giao, Nguyễn Cường, Vũ Thanh... vào Gia Lai-Kon Tum “nằm vùng” nghiên cứu và sáng tác. Hồi ấy hết sức khó khăn, việc làm của ông bị phản đối từ thuộc cấp tới cấp trên. Nhưng ông thuyết phục, thuyết phục và thuyết phục, lấy công việc là trên hết. Ông biết cách sử dụng và tận dụng trí thức.

Ông Trịnh Kim Sung tặng quà cho khách quốc tế đến thăm Gia Lai (ảnh gia đình cung cấp).

Ông Trịnh Kim Sung tặng quà cho khách quốc tế đến thăm Gia Lai (ảnh gia đình cung cấp).

Một hôm, ông gọi tôi lên, nói: Chú định tách Phòng Văn nghệ ra, giao cháu phụ trách Phòng Văn nghệ xuất bản. Phòng này sẽ làm tạp chí định kỳ, quản lý xuất bản và trực tiếp xuất bản sách cho tỉnh, và sẽ là nơi chuẩn bị cho việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhưng sẽ không có quyết định nhé, cháu hay nói chỉ cần được làm việc, không cần chức thì đây là lúc cháu làm đi.

Cho tới giờ, thời gian mà chú Sanh làm Trưởng ty Văn hóa là một trong những thời kỳ ngành Văn hóa Gia Lai làm được nhiều việc “để lại cho đời sau” nhất. Nó vượt qua cái cách nghĩ thông thường về công việc của ngành Văn hóa, là ngành gần như luôn bị đứng sau rốt. Cứ nhìn khách đến các hội nghị tổng kết của ngành Văn hóa và các ngành khác thì biết, nhìn phương tiện của ngành thì biết. Ông có tình yêu và sự hiểu biết về Tây Nguyên rất đáng kinh ngạc. Từ hồi ấy, bằng suy luận và cảm nhận thực tế, ông đã nhiều lần trao đổi với chúng tôi về tương lai văn hóa Tây Nguyên và giờ ngẫm lại, nó gần trùng với những gì ông tiên đoán.

Ông và vợ cùng 2 con cũng ở một phòng trong khu tập thể. Nhờ bà vợ Hà Nội khéo tay mà mấy lạng thịt bèo nhèo cũng thành bữa bún chả tưng bừng. Những lúc ấy, ông lại đi tìm chúng tôi, mấy đứa trí thức độc thân cũng ở khu tập thể, rủ tới ăn dù chúng tôi toàn bọn vừa đói vừa sĩ. Thấy chúng tôi cứ về nhà lên là buồn thỉu tới cả tháng vì đời sống ở thành phố đồng bằng nó cách biệt quá xa với ở đây, ông nói: “Mấy năm nữa là tôi đóng cửa đèo, không nhận người lên nữa, cứ chờ đấy, chả mấy nữa mà Pleiku vượt Huế nhé”.

Một trong những thành công của ngành tổ chức thời ấy và cho cả tới bây giờ, theo tôi, là đã chọn ra chú Sanh để giao ngành Văn hóa cho ông. Và cả sau này sang Hội Văn học Nghệ thuật. Cái phòng ông tách ra ở Ty Văn hóa ấy, sau này là nòng cốt của bộ máy Hội Văn học Nghệ thuật lâm thời. Sang Hội thì vài người hỏi ông sáng tác thể loại gì. Tôi, cho tới giờ, vẫn kiên định quan niệm đã làm Hội phải là người sáng tác và phải vượt lên, có thành tựu. Nhưng với chú Sanh, tôi, và rất nhiều người ủng hộ ông hết mình, bởi nhận thấy ở ông sự hiểu biết, sự tử tế, sự hết mình với văn hóa, văn học nghệ thuật.

Trước khi chú sang Hội Văn học Nghệ thuật thì Ty Văn hóa đã đổi thành Sở Văn hóa. Vì vậy, người ta mới nói chú là Giám đốc Sở lâu năm nhất của tỉnh thời đó. Quãng 1985-1986, chú đã viết tham luận cấp bộ về “Phát triển văn hóa vùng Bắc Tây Nguyên đến năm 2000” (như giờ gọi là tầm nhìn tới năm 2000), in roneo mà giờ lạc đâu mất, tiếc quá…

Tiếc là sang làm Chủ tịch Hội được mấy năm thì ông phát bệnh ung thư gan, ảnh hưởng những ngày ở rừng sống dưới những đợt dioxin. Và thời gian phát bệnh cũng nhanh. Rất nhiều văn nghệ sĩ hồi ấy đã lấy ông làm nhân vật để sáng tác với âm hưởng tiếc thương.

Tới giờ những người nhớ ông, tiếc thương ông vẫn rất đông. Giỗ ông, cả ở Hà Nội và Pleiku vẫn rất đông anh chị em bạn bè cũ có mặt.

Mỗi người có cách phụng sự cuộc đời riêng của mình, ông chọn sự tận tâm, sự cống hiến, sự khát khao học hỏi và thầm lặng đeo đuổi tới tận cuối đời. Vẫn nhớ, trước khi mất 1 tuần, nhân 1 vị lãnh đạo tỉnh vào thăm, ông nói: “Tôi sẽ đi, các anh nhớ giúp anh em ở Hội. Họ rất cần sự chia sẻ, thông cảm và tin tưởng”.

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202202/chu-sanh-5767260/