Chư Sê: Vùng kinh tế động lực phía Nam tỉnh Gia Lai

Sau gần 45 năm hình thành và phát triển, huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và từng bước khẳng định vai trò là vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam tỉnh Gia Lai.

Xứng tầm vùng động lực phía Nam tỉnh

Huyện Chư Sê được thành lập ngày 17-8-1981 theo Quyết định số 34-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở sáp nhập 7 xã của huyện Chư Prông và 5 xã của huyện Mang Yang (cũ). Đến tháng 12-2009, huyện Chư Sê được chia tách thành 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh.

Trải qua gần 45 năm xây dựng và phát triển với biết bao mồ hôi, công sức, các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê đã bền gan, vững chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút (bìa trái) trao cờ Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai cho Nhân dân và cán bộ huyện Chư Sê nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (17/8/1981-17/8/2021). Ảnh: Q.T

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút (bìa trái) trao cờ Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai cho Nhân dân và cán bộ huyện Chư Sê nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (17/8/1981-17/8/2021). Ảnh: Q.T

Trong những năm đầu thành lập, huyện Chư Sê gặp nhiều khó khăn. Phương thức canh tác lạc hậu, hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… hầu như chưa được đầu tư. Trước thực trạng đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện định canh, định cư, cải tạo nông nghiệp, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm; đầu tư phát triển giao thông, mạng lưới y tế, văn hóa, giáo dục. Đồng thời, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh truy quét bọn phản động FULRO, xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở, ổn định an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bước vào giai đoạn đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê đã phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống người dân từng bước được nâng cao và cơ bản đã giải quyết nạn đói, dịch bệnh. Trong đó, huyện tập trung quy hoạch và xác định đúng mục tiêu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại và dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế và giáo dục để khắc phục khó khăn, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển đi lên.

Đặc biệt, trên cơ sở triển khai thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Trung ương lúc bấy giờ (lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu), huyện chú trọng đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, chuyển dần diện tích lúa rẫy sang làm lúa nước 2 vụ, đưa giống bắp lai, mì mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị. Đồng thời, hướng dẫn người dân chuyển dần các diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cà phê, hồ tiêu…

Nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai rộng lớn, màu mỡ cũng như phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kinh tế-xã hội Chư Sê có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế thị trường. Người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” được đăng ký bảo hộ tại 7 quốc gia trên thế giới.

Từ một huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt thấp, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn đạt trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Điển hình như nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 9,6%/năm, đạt 100% so với nghị quyết đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 đạt 470,1 tỷ đồng, bình quân đạt 94,02 tỷ đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng (nếu năm 1981 là 909 ngàn đồng/người thì đến năm 1991 là 1,1 triệu đồng, năm 2010 đạt 16 triệu đồng, năm 2020 là 56,7 triệu đồng và đến cuối năm 2024 đạt 76,98 triệu đồng). Dự kiến đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 82,78 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,24%.

 Người dân huyện Chư Sê thu hoạch nhãn. Ảnh: Q.T

Người dân huyện Chư Sê thu hoạch nhãn. Ảnh: Q.T

Bên cạnh làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện cũng đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, GlobalGAP, Organic… Đến nay, diện tích gieo trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 5,43%. Huyện đã hình thành và phát triển vùng nguyên liệu mía tại xã Hbông với diện tích 1.057 ha.

Toàn huyện có 28 trang trại nông nghiệp sản xuất các cây dược liệu, rau, nấm và các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 15 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, huyện tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp chỉnh trang đô thị theo định hướng của tỉnh, đi đôi với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Huyện đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch; đồng thời, thường xuyên duy trì và phục dựng các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số. Tổ chức và tham gia nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao cấp huyện và tỉnh nhằm góp phần quảng bá hình ảnh, con người và những nét văn hóa đặc trưng của Chư Sê…

Lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất trường lớp, trang-thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa; toàn huyện có 38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,86%. Công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống các bệnh nguy hiểm được tăng cường và triển khai có hiệu quả. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết; công tác chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người đứng đầu cấp ủy thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân; kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được triển khai quyết liệt; công tác dân vận trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực.

 Đô thị Chư Sê ngày càng khởi sắc. Ảnh: Q.T

Đô thị Chư Sê ngày càng khởi sắc. Ảnh: Q.T

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có

Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, phát huy nội lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi về giao thông, đất đai và khả năng phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị. Tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã; tích cực phối hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn.

Chư Sê có nhiều thắng cảnh như: thác Đá (xã Ia Hlốp), đập Ia Ring (xã Chư Pơng)… Đặc biệt, thác Phú Cường (xã Ia Pal) sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ giữa núi rừng thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan, thưởng ngoạn. Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ kết hợp Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Plei Ring (xã Hbông) cũng là điểm du lịch nhiều tiềm năng. Mặt khác, Chư Sê còn lưu giữ 159 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý. Thời gian qua, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trồng cây xanh tại 2 Công viên Kpă Klơng và Phạm Văn Đồng nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan của người dân và du khách.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền người dân duy trì và bảo tồn các lễ hội truyền thống cũng như có phương án hỗ trợ, phục dựng. Tuy nhiên, các điểm du lịch của huyện mới chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng và chưa đóng góp nhiều vào ngân sách địa phương. Do đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử.

 Thác Phú Cường (huyện Chư Sê) nhìn từ trên cao vào thời điểm nguồn nước dồi dào. Ảnh: Phạm Quý

Thác Phú Cường (huyện Chư Sê) nhìn từ trên cao vào thời điểm nguồn nước dồi dào. Ảnh: Phạm Quý

Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch.

Cùng với đó, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư nâng cấp, mở rộng dự án du lịch; khuyến khích góp vốn đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng (homestay), khai thác giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Thường xuyên gặp gỡ, tích cực xử lý, giải quyết thấu đáo, kịp thời những kiến nghị của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh phát triển.

Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, đàn gia súc, gia cầm theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trong đó, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị, lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện theo vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tập trung phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc định hướng cho nông dân và hợp tác xã về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản và thị trường tiêu thụ; hợp tác xã, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư các cơ sở chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng; đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và bảo vệ môi trường.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện có 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Chư Sê được công nhận đô thị loại IV. Ngoài ra, Chư Sê là địa phương được UBND tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện năm 2023 đạt thứ hạng 5.

Huyện cũng đang chủ động, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo tiền đề phát triển Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Cụm Công nghiệp Chư Sê; phát triển năng lượng tái tạo với phát triển du lịch; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Chư Sê.

Trong đó, chú trọng thu hút, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nông cụ, phân bón, hàng tiêu dùng với nguyên liệu sẵn có; đẩy mạnh và tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu không nung, tạo việc làm cho lao động trong và ngoài huyện. Thu hút các dự án sản xuất công nghiệp sạch theo hướng sinh thái, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ cao để gia tăng chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là chế biến nông-lâm sản và năng lượng tái tạo.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số gắn với chất lượng, hiệu quả và phát huy các lợi thế so sánh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và mang lại thu nhập cao cho người lao động.

 Bộ mặt Chư Sê ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Q.T

Bộ mặt Chư Sê ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Q.T

Cùng với đó, huyện tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật. Triển khai có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xây dựng, phấn đấu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 100% vào cuối năm 2025. Giải quyết kịp thời các chính sách ưu đãi cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.

Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động; đồng thời, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo đạt và vượt kế hoạch. Triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh với các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn trong mọi tình huống; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo tại cơ sở…

Tiếp tục đổi mới phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng việc bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, kiến thức chuyên môn cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

RMAH H’BÉ NÉT

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-se-vung-kinh-te-dong-luc-phia-nam-tinh-gia-lai-post320962.html