Chủ sở hữu Kem Tràng Tiền đã có lãi, vẫn dính loạt vấn đề
Sau một năm lỗ khủng hàng trăm tỷ đồng, 2022 OCH đã có lãi trở lại nhưng cổ phiếu vẫn bị cảnh báo, doanh nghiệp còn dính kiện tụng dự án Saigon Airport.
Đã có lãi sau một năm lỗ khủng, cổ phiếu OCH vẫn bị cảnh báo
CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với doanh thu thuần 995,5 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng khả quan với 95 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ khủng 442 tỷ đồng.
OCH là đơn vị sở hữu khá nhiều thương hiệu nổi tiếng từ thực phẩm như CTCP Kem Tràng Tiền, CTCP Bánh Givral, đến các chuỗi resort như Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ...
Trong đó, sản xuất kinh doanh thực phẩm là lĩnh vực đem lại doanh thu, lợi nhuận chính cho OCH. Cụ thể, năm 2022 doanh thu của Kem Tràng Tiền đạt 95% kế hoạch năm, còn lợi nhuận lên tới 315% kế hoạch. Bánh Givral ghi nhận doanh thu 117% kế hoạch và lợi nhuận đạt tới 168% kế hoạch năm.
Với mảng khách sạn, OCH cho biết mặc dù nguồn khách nội địa đã dần phục hồi tuy nhiên doanh thu mới chỉ tập trung được vào các dịp hè, lễ Tết do vậy vẫn khó khăn với khách sạn trong hệ thống của OCH.
CTCP Kem Tràng Tiền có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó OCH sở hữu 99,98% vốn. Givral có vốn 330 tỷ đồng, OCH cũng chiếm chi phối 99,99%.
Mặc dù năm qua đã kinh doanh có lãi, song cổ phiếu OCH vẫn bị duy trì diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán là số âm hơn 740 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng này, OCH cho biết sẽ tăng cường sản phẩm mới, mở rộng thị phần sang các địa bàn thành phố lớn. Với lĩnh vực khách sạn, công ty sẽ mở rộng tập trung phân khúc khách đoàn trong nước, tăng cường khai thác F&B. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ thi công dự án hiện có để đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản thời gian tới.
Năm 2023, OCH đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 148 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước.
Dính kiện tụng dự án Saigon Airport
Tại báo cáo kiểm toán 2022 của OCH, đơn vị kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh đến dự án khách sạn Saigon Airport tại quận Tân Bình (TPHCM) đang được thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long.
Năm 2015, dự án khách sạn Saigon Airport dừng thi công, tìm đối tác chuyển nhượng. Tuy nhiên, tháng 5/2022, OCH cho biết đã nhận được bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Hà Nội về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Theo đó, khoản vay của Công ty Pegasus Thăng Long đã được chuyển nhượng cho 1 đối tượng khác và dự án được thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay. Trong trường hợp Công ty Pegasus Thăng Long không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì đối tượng chuyển nhượng nợ có quyền đề nghị kê biên, phát mại tài sản. Giá trị trích lập dự phòng tại thời điểm 30/6/2022 được xác định trên cơ sở số dư gốc hơn 218 tỷ đồng sau khi bù trừ với số phải trả Công ty TNHH Pegasus Thăng Long số tiền hơn 116 tỷ đồng.
Trước đó, OCH và Pegasus Thăng Long cùng nhau đầu tư dự án khách sạn nằm trong dự án này, trong đó, Pegasus Thăng Long góp 60% vốn.
Năm 2014, HĐQT OCH đồng ý và chấp thuận dùng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất và tài sản hình thành trong tương lại tại dự án để đảm bảo cho khoản vay của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Pegasus Thăng Long) tại OceanBank.
Năm 2021, Trung tâm dịch vụ Đấu giá Tài sản TPHCM đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Pegasus Thăng Long tại OceanBank. Theo đó, chủ nợ mới đã trúng đấu giá và có toàn quyền trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ của Pegasus Thăng Long với OceanBank.
Tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra quyết định của bản án phúc thẩm về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa OceanBank, chủ nợ mới, Pegasus Thăng Long và OCH. Theo đó, Pegasus Thăng Long có trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi tạm tính đến ngày 17/3/2021 đối với hợp đồng tín dụng cho chủ nợ mới.