Chủ thương hiệu nước bí đao Wonderfarm: Doanh thu 6 tháng đạt gần 1.000 tỷ, không tiếc tiền chi quảng cáo

Tính chung nửa đầu năm nay, CTCP Thực phẩm Quốc tế (UPCoM: IFS) có doanh thu gần 1.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 3% so với cùng kỳ 2023.

Sở hữu thương hiệu trà Bí Đao Wonderfarm cùng loạt sản phẩm nước ngọt giải khát với giá khá bình dân, IFS ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 525 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng tăng 11% khiến biên lãi gộp duy trì ở mức 37%. Lợi nhuận gộp đạt gần 194 tỷ đồng, tăng 9% so với quý II/2023.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 51% do ảnh hưởng từ xu hướng giảm của lãi suất tiền gửi theo mặt bằng chung. Đồng thời trong kỳ, chi phí cho các chương trình khuyến mãi, tăng cường chiến dịch truyền thông quảng bá các sản phẩm chiến lược tăng mạnh 82%, khiến chi phí bán hàng tăng 20%, chiếm gần 21% doanh thu.

 IFS sở hữu thương hiệu nước bí đao nổi tiếng Wonderfarm. Ảnh: IFS

IFS sở hữu thương hiệu nước bí đao nổi tiếng Wonderfarm. Ảnh: IFS

Theo thống kê, chi phí bán hàng của IFS thường xuyên chiếm khoảng 20% doanh thu, chủ yếu chi nhiều cho đầu mục quảng cáo, khuyến mại. Đây cũng là điểm chung của các doanh nghiệp bán lẻ khi muốn sản phẩm không bị khách hàng “lãng quên”.

Sau thuế, IFS lãi ròng gần 55 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm ghi nhận 972 tỷ đồng doanh thu thuần và 105 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 11% và 3% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp thu lãi gần 18 tỷ đồng.

Năm 2024, doanh nghiệp kinh doanh các dòng nước giải khát đặt mục tiêu doanh thu thuần cao kỷ lục 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp khá thận trọng với mục tiêu lợi nhuận khi lên kế hoạch lãi ròng chỉ khoảng 192 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023.

Về tình hình tài chính, tính đến 31/5/2024, tổng tài sản của IFS ở mức gần 1.600 tỷ đồng, tăng 8% với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền chiếm đến 72% với số dư hơn 1.150 tỷ đồng. Lượng tiền mặt lớn, công ty cũng vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 24%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 2.400 đồng, mức cao nhất từ khi niêm yết.

Với 87,14 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp này dự kiến dành ra hơn 209 tỷ đồng để trả cho cổ đông. Đáng chú ý, IFS là công ty con với 96% cổ phần thuộc về Tập đoàn Kirin của Nhật Bản. Theo đó, thông qua đợt chia cổ tức tiền mặt này, công ty mẹ Nhật Bản dự kiến nhận về hơn 200 tỷ đồng tiền mặt từ chủ thương hiệu Wonderfarm.

Ngược lại, tổng nợ gần 230 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán và các chi phí khác. Công ty không ghi nhận vay và nợ thuê tài chính.

Trên thị trường, cổ phiếu IFS đang giao dịch quanh mốc 29.000 đồng/cp, tăng khoảng 10% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơi 10% so với đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa tháng 3. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chu-thuong-hieu-nuoc-bi-dao-wonderfarm-doanh-thu-6-thang-dat-gan-1000-ty-khong-tiec-tien-chi-quang-cao.html