Chủ tịch Bình Định: Cải cách hành chính để phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ, cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ hành chính
Vừa qua, tỉnh Bình Định đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 về “Cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025” (gọi tắt là Chương trình hành động số 09).
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai các nội dung quan trọng để thực hiện thành công Chương trình hành động số 09.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục thay đổi tư duy, cách tiếp cận, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ông Tuấn nhấn mạnh, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc yêu cầu cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ hành chính; kết quả cải cách hành chính là “thước đo” đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của người đứng đầu.
Chủ tịch Bình Định đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao…với nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; kịp thời nhân rộng các mô hình mới, cách làm sáng tạo đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Cùng với đó, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện liên thông thủ tục hành chính; thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với những thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa phục vụ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có hành động cụ thể, giải pháp thiết thực để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và chính sách cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính…
Ông Phạm Anh Tuấn cũng giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án 5299 gắn với hoàn thành các chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương tại Đề án 06; phát huy vai trò của cơ quan Thường trực công tác cải cách thủ tục hành chính ở địa phương; ưu tiên tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục phát sinh số lượng hồ sơ giao dịch lớn.
Sở Nội vụ rà soát, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm văn hóa công vụ trong giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, giao Sở TT&TT khẩn trương triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Công an tỉnh tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu liên quan thuộc Đề án 06; trong đó nghiên cứu tham mưu triển khai các mô hình điểm ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của Bộ Công an…
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình “Tổ công nghệ số thanh niên”, “Đội thanh niên tình nguyện thực hiện dịch vụ công trực tuyến” đối với công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án 5299 của Ủy ban nhân dân tỉnh.