Chủ tịch công ty máy nhắn tin ở Đài Loan bị thẩm vấn

Chủ tịch Gold Apollo phủ nhận công ty của ông sản xuất máy nhắn tin được dùng trong vụ tấn công ở Lebanon khi cuộc truy tìm nguồn gốc của các thiết bị phát nổ vẫn tiếp diễn.

 Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty Gold Apollo ở đảo Đài Loan - ông Hsu Ching-kuang. Ảnh: CNN.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty Gold Apollo ở đảo Đài Loan - ông Hsu Ching-kuang. Ảnh: CNN.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty Gold Apollo ở đảo Đài Loan - ông Hsu Ching-kuang - đã bị các công tố viên thẩm vấn giữa lúc cuộc truy tìm nguồn gốc của các thiết bị phát nổ trên khắp Lebanon tuần này đang mở rộng trên toàn cầu, theo Guardian.

Nghiêm trọng

Ông Hsu cho biết công ty của ông không sản xuất máy nhắn tin được sử dụng trong vụ tấn công hôm 17/9 và chúng được sản xuất bởi một công ty có trụ sở tại Budapest là BAC Consulting KFT. Công ty này có giấy phép sử dụng thương hiệu của Gold Apollo.

Ông đã bị thẩm vấn tại Đài Loan vào cùng ngày một công ty sản xuất thiết bị liên lạc khác của Nhật Bản - có tên Icom - lên tiếng phản hồi về diễn biến liên quan tới đợt tấn công thứ hai tại Lebanon hôm 18/9 khiến hàng loạt máy bộ đàm phát nổ. Icom cho rằng các máy bộ đàm trong vụ việc có thể là một mẫu hãng đã ngừng sản xuất có chứa pin đã được sửa đổi.

Ít nhất 9 người đã thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương trong vụ máy nhắn tin do các thành viên Hezbollah sử dụng phát nổ đồng loạt trên khắp Lebanon hôm 17/9. Một ngày sau đó, 25 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương khi máy bộ đàm phát nổ trong các siêu thị, trên đường phố và tại các đám tang. Phía Hezbollah cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công này.

Tại đảo Đài Loan, ông Hsu từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên khi rời khỏi văn phòng công tố Đài Bắc vào cuối ngày 18/9. Các công tố viên cũng đã thẩm vấn một người phụ nữ có liên quan đến một công ty khác - theo truyền thông địa phương - một đại diện có liên quan đến BAC Consulting KFT. Người này đã thành lập một công ty có trụ sở tại Đài Bắc có tên là "Apollo Systems".

Apollo Systems được đăng ký vào tháng 4 năm nay và địa chỉ được công bố của công ty lài quận Neihu của Đài Bắc. Đây là một trong bốn địa điểm bị các điều tra viên khám xét, bao gồm cả văn phòng của Gold Apollo tại Tân Bắc. "Chúng tôi xem vụ việc này rất nghiêm trọng", văn phòng công tố từ quận Shilin của Đài Bắc cho biết trong một tuyên bố hôm 20/9.

"Chúng tôi đã chỉ thị cho cơ quan ninh của Cục Điều tra tiếp tục thẩm vấn hai người từ các công ty Đài Loan làm nhân chứng vào hôm qua".

 Các nhà báo vây quanh nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Gold Apollo Hsu Ching-kuan tại cửa văn phòng công ty ở thành phố Tân Bắc (New Taipei) hôm 18/9. Ảnh: Helen Davidson/The Guardian.

Các nhà báo vây quanh nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Gold Apollo Hsu Ching-kuan tại cửa văn phòng công ty ở thành phố Tân Bắc (New Taipei) hôm 18/9. Ảnh: Helen Davidson/The Guardian.

Chính quyền Đài Loan khẳng định họ đang điều tra vụ việc và cảnh sát đã đến công ty của ông Hsu nhiều lần, tại một văn phòng nhỏ, khiêm tốn ở thành phố Đài Tân, bên cạnh Đài Bắc.

Sáng 20/9, người đứng đầu cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết ông có thể nói "chắc chắn" rằng các thành phần được sử dụng trong máy nhắn tin không được sản xuất tại Đài Loan.

Khả năng là hàng giả

Tại Nhật Bản, nhà sản xuất máy bộ đàm cầm tay Icom cho biết các thiết bị được sử dụng trong các cuộc tấn công hôm 18/9 dường như là bộ đàm cầm tay IC-V82 của họ, loại đã được xuất khẩu ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Đông, từ năm 2004 đến năm 2014.

Theo hãng thông tấn Kyodo, giám đốc Icom, Yoshiki Enomoto, hôm 18/9 cho biết: "Chúng tôi không thể loại trừ khả năng chúng là hàng giả, nhưng cũng có khả năng các sản phẩm đó là mẫu IC-V82 của chúng tôi".

Công ty đã bán được khoảng 160.000 chiếc máy này tại Nhật Bản và nước ngoài trước khi ngừng sản xuất và bày bán vào năm 2014.

“Việc sản xuất pin cần thiết để vận hành thiết bị chính cũng đã bị ngừng lại và không có tem ba chiều để phân biệt hàng giả, do đó không thể xác nhận sản phẩm có được vận chuyển từ công ty chúng tôi hay không”, công ty cho biết trong một tuyên bố trên website của mình.

Icom cho biết thêm rằng các sản phẩm cho thị trường nước ngoài được bán độc quyền thông qua các nhà phân phối được ủy quyền của công ty và chương trình xuất khẩu dựa trên các quy định kiểm soát thương mại an ninh của Nhật Bản.

Icom khẳng định tất cả máy bộ đàm của công ty đều được sản xuất “theo một hệ thống quản lý chặt chẽ” tại một cơ sở sản xuất phụ trợ ở tỉnh Wakayama, miền Tây Nhật Bản.

“Không có bộ phận nào khác ngoài những bộ phận do công ty chúng tôi chỉ định được sử dụng trong sản phẩm”, công ty cho biết.

“Ngoài ra, tất cả máy bộ đàm của chúng tôi đều được sản xuất tại cùng một nhà máy và chúng tôi không sản xuất chúng ở nước ngoài”.

Hezbollah đã tuyên bố sẽ trả đũa Israel, dù Israel chưa nhận trách nhiệm về các vụ nổ. Hai bên đã vướng vào cuộc giao tranh xuyên biên giới kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào tháng 10/2023.

Hạnh Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-tich-cong-ty-may-nhan-tin-o-dai-loan-bi-tham-van-post1499141.html