Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì... phá rừng

Ngày 14-7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Sông Ba. Trong số các bị cáo có chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty chuyên về trồng rừng.

3 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội danh “Hủy hoại rừng” gồm: Lê Hoàng Phúc (SN 1954, trú tại tỉnh Đồng Tháp), Lục Văn Khoa (SN 1970, trú tại tỉnh Đắk Lắk), Lê Văn Tuyển (SN 1987, trú tại tỉnh Đắk Lắk).

 3 bị cáo (từ phải sang): Lê Hoàng Phúc, Lục Văn Khoa và Lê Văn Tuyển hầu tòa về tội danh "Hủy hoại rừng". Ảnh: Văn Ngọc

3 bị cáo (từ phải sang): Lê Hoàng Phúc, Lục Văn Khoa và Lê Văn Tuyển hầu tòa về tội danh "Hủy hoại rừng". Ảnh: Văn Ngọc

Theo hồ sơ, Phúc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai (Công ty Phúc Phong). Năm 2017, Công ty này đã lập thủ tục trình UBND tỉnh thuê đất trồng rừng tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (cũ).

Ngày 13 và 14-3-2017, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Krông Pa (cũ), BQLRPH Nam Sông Ba, UBND xã Chư Drăng cùng Công ty Phúc Phong và Công ty TNHH trắc địa bản đồ Nhật Tuấn (Công ty Nhật Tuấn) tiến hành khảo sát, đo đạc hiện trạng khu vực đất mà Công ty Phúc Phong xin thuê để trồng rừng tại tiểu khu 1395 và 1396 với diện tích gần 860 ha.

Sau quá trình đo đạc trên, đến ngày 17-4-2017, ông Phạm Đình Thọ - Giám đốc Công ty Nhật Tuấn đã lập tờ “Bản đồ hiện trạng vị trí đề nghị xin thuê đất” của Công ty Phúc Phong. Trong đó, xác định sai tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 là đất chưa sử dụng, thực tế đây là đất có rừng tự nhiên.

Mặc dù chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất, chưa có quyết định cho thuê đất nhưng Công ty Phúc Phong căn cứ chủ trương của UBND tỉnh cho thuê đất và cho “phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng rừng trên phần đất lâm nghiệp chưa có rừng” nên đã triển khai phát dọn thực bì.

Trong quá trình thực hiện, Công ty đã lập cam kết với BQLRPH Nam Sông Ba với nội dung chỉ thực hiện phát dọn ở diện tích đất lâm nghiệp không có rừng.

Bên cạnh đó, Công ty Phúc Phong đã thành lập Ban Chỉ huy công trường và giao cho Lục Văn Khoa giữ vai trò là Chỉ huy phó. Công ty ký hợp đồng kinh tế liên kết trồng rừng sản xuất với nhiều hộ dân, trong đó có hộ Lê Văn Tuyển. Trong hợp đồng có nội dung “cam kết tuyệt đối không xâm hại rừng nguyên sinh, tái sinh trong và ngoài vùng lân cận của dự án”.

Sau khi ký hợp đồng liên kết, Phúc với tư cách cá nhân, không thông qua Hội đồng thành viên của Công ty đã chỉ đạo Khoa và Tuyển tiến hành phát dọn thực bì và trồng cây keo lai trên phần diện tích liên kết trồng rừng theo tờ bản đồ do Công ty Nhật Tuấn lập. Trong đó, có 3 ha rừng tự nhiên là loại rừng sản xuất, thuộc lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396.

Mặc dù biết 3 ha này là rừng tự nhiên nhưng Phúc vẫn chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc Khoa và Tuyển nhanh chóng phát dọn để lấy đất sản xuất. Đến giữa tháng 10-2018, Khoa và Tuyển thuê một số người dùng rìu, rựa, máy cắt cỏ, tiến hành phát dọn 3 ha ở khu vực mà Phúc chỉ đạo và theo chỉ dẫn ranh giới chỉ huy công trường.

 Khu vực trồng rừng của Công ty Phúc Phong. Ảnh: Văn Ngọc

Khu vực trồng rừng của Công ty Phúc Phong. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 16-10-2018, một số cán bộ của BQLRPH Nam Sông Ba phát hiện sự việc nhóm của Tuyển thuê đã phát dọn hết cỏ tranh, dây leo nhưng vẫn chưa chặt hạ những cây gỗ lớn nên đã yêu cầu Tuyển giữ nguyên hiện trường, dừng tất cả hoạt động phát dọn. Tuy vậy, Tuyển vẫn tiếp tục chỉ đạo nhân công tiếp tục thực hiện hành vi.

Đến ngày 19-10-2018, cán bộ của BQLRPH Nam Sông Ba quay lại khu vực này thì phát hiện 3 ha rừng trên đã bị phát trắng nên đo đếm, lập biên bản. Ngày 11-12-2018, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã khởi tố vụ án và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pa thụ lý theo thẩm quyền. Cơ quan chức năng xác định, diện tích rừng thiệt hại 30.000 m2 có khối lượng gỗ hơn 101 m3, tổng giá trị hơn 365 triệu đồng.

Ngoài ra, trong bản cáo trạng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa nêu rõ, các cá nhân có liên quan trong việc ký vào tờ “Bản đồ hiện trạng vị trí đề nghị xin thuê đất” do Công ty Nhật Tuấn lập (gồm ông Nay Hem - Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, ông Hoàng Thi Thơ - Trưởng BQLRPH Nam Sông Ba, ông Tạ Chí Khanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT) đã căn cứ sai quyết định dẫn đến tờ bản đồ bị lập sai. Từ đó, dẫn tới việc các bị can lợi dụng việc xác nhận trên để hủy hoại hoại rừng.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa nhận thấy hành vi của các cá nhân trên có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án, cần thêm thời gian để thu thập tài liệu chứng cứ.

Do đó, ngày 4-9-2024, Cơ quan điều tra đã tiến hành tách hành vi, thụ lý nguồn tin tội phạm nêu trên để tiếp tục điều tra, xác minh giải quyết là có căn cứ.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu vào tháng 8-2023, TAND huyện Krông Pa đã tuyên phạt bị cáo Phúc 3 năm 6 tháng tù, Khoa 2 năm 3 tháng tù, Tuyển 2 năm tù. Các bị cáo đều kháng cáo kêu oan nên đến tháng 12-2023, TAND đã đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên trả hồ sơ điều tra lại.

 Hội đồng xét xử nghị án kéo dài đến ngày 18-7. Ảnh: Văn Ngọc

Hội đồng xét xử nghị án kéo dài đến ngày 18-7. Ảnh: Văn Ngọc

Đến tháng 2-2025, TAND huyện Krông Pa mở lại phiên tòa sơ thẩm. Các bị cáo đều bị tăng mức phạt. Theo đó, Phúc bị tuyên 3 năm 8 tháng tù, Khoa 2 năm 6 tháng tù và Tuyển 2 năm 4 tháng tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 14-7, các bị cáo tiếp tục kêu oan. Luật sư bào chữa cho các bị cáo đưa ra nhiều luận điểm cho rằng Cơ quan điều tra đã vi phạm quá trình tố tụng. Trong khi đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo.

Nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên sau khi kết thúc phần luận tội, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng cần nhiều thời gian để nghiên cứu các tình tiết trên. Vì vậy, vụ án sẽ được tuyên án vào chiều 18-7.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-tich-cong-ty-trong-rung-hau-toa-vi-pha-rung-post560473.html