Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Nhiều dự án lớn nên cho cả tư nhân và nước ngoài tham gia

Tập đoàn T&T Group kiến nghị Thủ tướng những dự án mà đòi hỏi công nghệ, tài chính cao thì Chính phủ cho cơ chế giao nhiệm vụ và chỉ định, cho phép các thành phần kinh tế tư nhân tham gia.

Góp mặt tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T chia sẻ, hiện nay T&T Group đang triển khai nhiều dự án quan trọng với tổng trị giá hàng chục tỷ USD.

Trong đó phải kể đến dự án logistics công nghệ cao, tiên tiến tại Vĩnh Phúc thuộc chuỗi giá trị, cung ứng nằm trong kết nối Trung Quốc và ASEAN, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư.

Đối với sân bay Quảng Trị đã có quy hoạch tích hợp tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay, nhất là công nghiệp chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng hàng không, tiến tới sản xuất các linh kiện từ cấp 1 đến cấp cao.

Hiện, dự án đang được Tập đoàn tích cực triển khai và dự kiến tháng 5/2026 sẽ khánh thành sân bay Quảng Trị.

“Tập đoàn T&T Group mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ quy hoạch này”, ông Đỗ Quang Hiển cho biết.

Liên quan đến dự án năng lượng tái tạo, hiện T&T đang tập trung đầu với hơn 1.000 MW đã đi vào hoạt động; khởi công dự án điện khí 1.500 MW tại Quảng Trị; hợp tác với đối tác Hàn Quốc để sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon.

Đại diện T&T Group đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương sớm xem xét đề án sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon và tổ hợp khí tại Quảng Trị do liên doanh giữa T&T và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) thực hiện.

Đáng chú ý, theo ông Hiển, T&T Group trước đây đã liên doanh với Tập đoàn Orsted của Đan Mạch và Tập đoàn Marubeni của Nhật để triển khai những dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại ngoài khơi Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Bình Thuận.

Orsted là tập đoàn lớn nhất thế giới về điện gió ngoài khơi, cũng đã tham mưu cho Chính phủ phát triển điện gió ngoài khơi và họ đã chiếm 25% sản lượng điện gió ngoài khơi của thế giới.

Mặc dù vậy, sau một thời gian làm việc, Orsted quyết định rút lui khỏi liên doanh với T&T Group và rời khỏi Việt Nam vì thủ tục quá phức tạp.

Điều này khá đáng tiếc bởi theo đề án làm việc với T&T Group, Orsted dự kiến đầu tư một tổ hợp năng lượng tại Việt Nam, đủ để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu ra châu Á và thế giới.

Qua đây, đại diện T&T Group cũng kiến nghị thủ tướng là những dự án đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi quản trị, đòi hỏi tài chính thì Chính phủ cho cơ chế giao nhiệm vụ và chỉ định, có cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia.

“Không chỉ có tập đoàn nhà nước làm điện gió ngoài khơi, mà nên cho cả tư nhân và nước ngoài, nhưng phải đảm bảo an ninh quốc gia. Chuyển giao công nghệ, cam kết trong 10 năm”, ông Hiển góp ý.

Hiện nay T&T Group hợp tác với các đối tác nước ngoài đều có điều kiện chặt chẽ. Thứ nhất là tuân thủ pháp luật, an ninh quốc phòng. Thứ hai, đào tạo chuyển giao công nghệ, các cấp quản lý phải chuyển giao cho Việt Nam, tối thiểu trong vòng 10 đến 15 năm. Thứ ba, muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam.

Ngoài logistics, năng lượng tái tạo, hiện T&T cũng đang tham gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trong đó, có dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; bày tỏ sự quan tâm tới dự án thành phần 3 đường Vành đai 4…

“Những dự án mà T&T Group đã và đang làm đều khả thi, chứ không viển vông”, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chu-tich-do-quang-hien-nhieu-du-an-lon-nen-cho-ca-tu-nhan-va-nuoc-ngoai-tham-gia-d37118.html