Chủ tịch EuroCham nói về khoản đầu tư mở rộng 100 triệu USD của Nestlé
Sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD.
Sáng nay (16/1), Hiệp hội Doanh Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15.
Theo ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong thời gian gần đây, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện có khả năng phục hồi và linh hoạt. Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cũng nhìn nhận phải cân bằng sự lạc quan với thực tế. Năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được mà chúng tôi cần phải chú ý", vị này nói.
Theo Chủ tịch EuroCham, khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai. Sự cần thiết phải linh hoạt và phản ứng nhanh nhạy này nhấn mạnh giá trị thực tiễn của những hiểu biết như trong Sách Trắng.
Đáng chú ý, Sách Trắng vạch ra các chiến lược nhằm mở ra các cơ hội thương mại và đầu tư, hợp lý hóa khung khổ pháp lý, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và tối đa hóa hội nhập toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là các chính sách phát triển đôi bên cùng có lợi.
Ví dụ, sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Các dự án kết nối cơ sở hạ tầng và tích hợp chuỗi cung ứng có thể tạo nên nền tảng cho các luồng đầu tư và thương mại bền vững. Tiến bộ trong quan hệ đối tác công tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mở ra thêm cơ hội hợp tác. Sách Trắng đưa ra các lộ trình phù hợp để đạt được tất cả những mục tiêu trên.
Điều quan trọng là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã củng cố quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, thúc đẩy luồng đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, ông Gabor Fluit nhìn nhận, mặc dù có sự tiến triển này, tiềm năng đầy đủ của hiệp định vẫn chưa được cả hai bên khai thác triệt để. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện các chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác cùng có lợi.