Huyện A Lưới: Nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình), góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS ở huyện nghèo A Lưới (Thừa Thiên Huế), cuộc sống của Nhân dân đang dần được cải thiện, vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của người Pa Kô ở Làng văn hóa các DTTS huyện A Lưới (Nguồn: baodantoc.vn)

A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn huyện có 17 xã và 01 thị trấn (trong đó có 16 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi). Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 11.028 hộ/42.534 nhân khẩu là người DTTS, chiếm 77,6% dân số toàn huyện, với 28 dân tộc, các DTTS chủ yếu là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện A Lưới được xếp vào 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo của cả nước được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện có nền kinh tế - xã hội xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ… Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, huyện A Lưới đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, triển khai hiệu quả Chương trình trên địa bàn, với mục tiêu lựa chọn hỗ trợ đầu tư các dự án "trọng tâm, trọng điểm" phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện được bố trí nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Ngay từ những năm đầu triển khai, với việc tích hợp các nội dung, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ đó, từ một huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, đã giảm còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Đồng thời, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã được đầu tư, các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt (thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 là 27,5 triệu/người/năm, đến cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu/người/năm). Dự kiến đến cuối năm 2024 là trên 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Từ nguồn vốn của Chương trình, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được gần 50 công trình, dự án (Trong đó, có 25 công trình đường giao thông vào các khu sản xuất, đường dân sinh) và 5 công trình trường, lớp học; thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 918 hộ đồng bào DTTS, xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Trung Sơn và xã Hồng Vân; xây dựng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại xã Quảng Nhâm; 100% đường đến trung tâm xã, đường liên thôn được cứng hóa; 100% xã được phủ sóng viễn thông; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được tiếp cận thông tin; 98% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; từng bước hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển các cây trồng vật nuôi chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế như: hoa xứ lạnh, chăn nuôi bò, nuôi ong ruồi tự nhiên...; nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ và kinh tế vườn đạt hiệu quả cao; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực khuyến khích người dân phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh...

Chương trình đã góp phần tích cực giúp người dân huyện A Lưới cải thiện điều kiện sống, nhất là trong việc xây dựng nhà ở kiên cố. Theo thống kê của ngân hàng chính sách xã hội huyện A Lưới, đến nay, đã có 24,28 tỷ đồng được giải ngân, giúp xây dựng mới 607 căn nhà cho người dân. Những ngôi nhà mới không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi thiên tai, mà còn tạo điều kiện cho họ tập trung phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngoài việc hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, Chương trình đã giúp người dân được hỗ trợ vay các khoản vay ưu đãi để có thêm nguồn lực để đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi, chuyển đổi nghề... từ đó tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định. Cùng với đó, huyện ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, các phương án hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng… Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông; cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ; đưa điện lưới, kỹ thuật viễn thông đến tất cả các điểm du lịch; phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú phù hợp, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, được du khách ưa chuộng đã tạo động lực khuyến khích người dân làm du lịch và tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, ngày 6/9/2024, tại huyện A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024. Đây là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã tổ chức lễ khánh thành Làng văn hóa các DTTS huyện A Lưới. Trong thời gian tới, huyện có kế hoạch sẽ đưa một số hộ dân là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu vào sinh sống tại Làng. Theo đó, các lễ hội truyền thống và nhiều di sản văn hóa của đồng bào các DTTS sẽ được khôi phục, phục dựng.

Đối với Chương trình, huyện A Lưới tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các cấp, các ngành để thực hiện Chương trình theo tiến độ đề ra; vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục tham gia ủng hộ cho người nghèo vừa xóa nhà tạm, vừa phát triển sinh kế, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện dự kiến hỗ trợ 725 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hộ nghèo người Kinh sống trong xã đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt phân tán...

Diễm Hồng

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/huyen-a-luoi-no-luc-vuon-len-thoat-ngheo-59160.html