Chủ tịch Fed: Cần nhanh chóng tăng lãi suất
Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cơ quan này cần phải nhanh chóng tăng lãi suất và bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: AFP
Cân nhắc tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất
Trong bài phát biểu tại Hội nghị chính sách kinh tế thường niên do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) tổ chức ngày 21/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, trong bối cảnh thị trường việc làm Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ và lạm phát tăng vọt, "rõ ràng là cần phải nhanh chóng hành động để đưa chính sách tiền tệ trở lại mức trung lập hơn".
Fed đã bắt đầu hiện thực lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ từ tuần trước bằng việc công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, nâng lãi suất cơ bản lên ngưỡng 0,25 - 0,5%.
Động thái này của Fed phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, nhưng chưa phải là biện pháp tối ưu trong tình hình hiện nay. Hơn 77% những người tham gia Cuộc khảo sát chính sách kinh tế do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ công bố hôm 21/3 tin rằng chính sách tiền tệ của Fed hiện quá lỏng lẻo và lãi suất cần phải được tăng thêm nữa. Những người trả lời khảo sát cũng dự đoán lạm phát Mỹ sẽ duy trì trên 3% cho đến cuối năm 2023, trong khi Fed đặt mục tiêu là khoảng 2%.
"Tôi tin rằng, các hành động chính sách của [chúng tôi] và những hành động sắp tới sẽ giúp đưa lạm phát xuống gần 2% trong 3 năm tới", Chủ tịch Fed nhận định.
Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Chỉ số này trong tháng 1/2022 đã tăng lên 5,2% so với một năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1983. Tong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 1982.
Cũng tại Hội nghị chính sách kinh tế thường niên, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, cũng đưa ra quan điểm tương tự như ông Jerome Powell rằng: "Chúng ta cần nhanh nhất có thể để trung lập (chính sách tiền tệ - BTV)".
Ông Raphael Bostic khuyến nghị cần tiến hành 6 lần tăng lãi suất cơ bản trong năm nay và thêm 2 lần khác vào năm 2023, đưa lãi suất liên bang lên khoảng 2,25%.
Hai quan chức Fed cũng chung nhận định rằng cơ quan này sẽ phải linh hoạt trong cách tiếp cận chính sách vì phần lớn nền kinh tế Mỹ đang trong quá trình thay đổi. Chủ tịch Fed cho rằng cơ quan này cũng có thể tăng lãi suất cao hơn trong bất kỳ cuộc họp nào sắp tới, chẳng hạn như phương án tăng 0,5 điểm phần trăm.
Chứng khoán Mỹ giảm sâu sau bình luận của Chủ tịch Fed. Chỉ số Dow Jones kết thúc ngày giao dịch 21/3 giảm hơn 200 điểm, tương đương 0,6%, đánh dấu chấm hết cho chuỗi 5 ngày tăng điểm liên tiếp. Cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi Nasdaq Composite giảm 0,4%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm vượt mức 2,3%, cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Biến số xung đột Ukraine và nguy cơ suy thoái
Lạm phát Mỹ tăng cao là nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch trong khi các nút thắt chuỗi cung ứng vẫn chưa được tháo gỡ. Nhưng đó không phải là đám mây đen duy nhất trên bức tranh kinh tế Mỹ, bởi xung đột Nga - Ukraine được dự báo là biến số khiến giá cả tại Mỹ sẽ tăng đột biến hơn nữa.
Theo đánh giá của Chủ tịch Fed, việc Nga tiến hành hành động quân sự tại Ukraine có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Mỹ nói riêng. Nhưng chính xác những tác động đó ra sao thì vẫn chưa thể hình dung được.
Còn Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta cho rằng: "Có rất nhiều bất ổn trên thế giới và trong nền kinh tế Mỹ hiện nay". Đó là lý do tại sao "quan sát và thích nghi" đã trở thành phương châm hành động của các quan chức Fed.
Thế giới đã từng trải qua những cú sốc giá dầu tương tự như những năm 1970 do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, ông Powell dẫn chứng, đồng thời cho biết: "May mắn thay, Mỹ hiện có vị thế tốt hơn khi đối mặt với những cú sốc giá dầu. Chúng tôi hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và nền kinh tế của chúng tôi ít thâm dụng dầu hơn đáng kể so với những năm 1970".
Nếu Fed thắt chặt chính sách hơn nữa có thể kìm hãm nhu cầu tăng nóng. Ngay cả Fed chọn "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ, thì suy thoái vẫn là một rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Không ai mong đợi việc hạ cánh mềm sẽ dễ dàng trong bối cảnh hiện nay - rất ít điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch Fed lưu ý.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-fed-can-nhanh-chong-tang-lai-suat-d162602.html