Chủ tịch Fed cảnh báo về sự đánh đổi chính sách do thuế quan
'Chúng tôi có thể sẽ phải đối diện với kịch bản khó khăn mà ở đó mục tiêu kép của chúng tôi trở nên căng thẳng', ông Powell nói...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Fed/WSJ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 16/4 cảnh báo rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ phải đối mặt với những đánh đổi trong chính sách tiền tệ khi nỗ lực bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Chicago, ông Powell nói việc áp mức thuế quan cao có thể đẩy giá cả tiêu dùng tăng đồng thời làm suy yếu hoạt động kinh tế, khiến Fed phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn hoặc tiếp tục tập trung vào chống lạm phát, hoặc dừng cuộc chiến chống lạm phát để chuyển sang bảo vệ thị trường việc làm.
“Chúng tôi có thể sẽ phải đối diện với kịch bản khó khăn mà ở đó mục tiêu kép của chúng tôi trở nên căng thẳng”, ông Powell nói. Ông giải thích rằng nếu xảy ra kịch bản như vậy, Fed sẽ phải đánh giá xem làm phát cách xa mục tiêu 2% bao nhiêu, thị trường lao động yếu đi bao nhiêu, và liệu hai biến số này sẽ mất bao nhiêu thời gian để cải thiện, từ đó có cơ sở để điều chỉnh lãi suất.
“Chúng tôi sẽ đánh giá xem liệu nền kinh tế đã rời xa mỗi mục tiêu tới mức độ như thế nào, và cần thời gian như thế nào để tiến lại gần hơn mỗi mục tiêu đó”, nhà hoạch định chính sách tiền tệ quyền lực nhất thế giới phát biểu. Ông cũng nhắc lại quan điểm rằng Fed không cần phải vội hạ lãi suất, nhưng thừa nhận triển vọng kinh tế đang trở nên khó đoán định do các công bố chính sách khó lường.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi giữ vững vị thế chờ đợi cho tới khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, trước khi xem xét bất kỳ sự điều chỉnh nào về lập trường chính sách”, ông Powell nhấn mạnh.
Theo tờ Wall Street Journal, những phát biểu này của Chủ tịch Fed cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đang tập trung vào việc đảm bảo rằng công chúng chỉ xem sự leo thang của giá cả do thuế quan chỉ là vấn đề tạm thời. Giới chức Fed hiện đang dành sự quan tâm đặc biệt tới việc người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng gì về lạm phát trong mấy năm tới.
Việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát là một vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi Fed tin rằng kỳ vọng lạm phát bị đẩy lên cao có thể dẫn tới việc giá cả tăng mạnh trên thực tế, và lạm phát tăng trên thực tế cũng có thể làm kỳ vọng lạm phát trở nên cao hơn, dẫn tới một vòng xoáy tự mạnh lên.
Lạm phát ở Mỹ tăng mạnh vào năm 2021, nhưng đã xuống thang khi Fed tăng mạnh lãi suất vào các năm 2022 và 2023. Tháng 2 vừa qua, lạm phát ở Mỹ - tính theo thước đo được Fed ưa chuộng là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - là 2,5%, giảm từ mức hơn 7% vào năm 2022.
Ông Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể đặt nhiệm vụ chống lạm phát lên trên nhiệm vụ bảo vệ thị trường việc làm trong trường hợp hai mục tiêu này xung đột. Fed sẽ cố gắng cân bằng việc theo đuổi hai mục tiêu, “nhưng sẽ luôn ghi nhớ rằng nếu không có ổn định giá cả, chúng ta sẽ không thể có được điều kiện vững vàng của thị trường lao động duy trì trong những khoảng thời gian dài, mang lại lợi ích cho tất cả người Mỹ” - ông nói.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 11 năm ngoái, ông Powell đã né tránh một câu hỏi về việc Fed sẽ làm gì khi đối mặt với một kịch bản mà ở đó lạm phát tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế rơi vào trì trệ.
“Theo dự báo là sẽ không xảy ra đình lạm, nên chúng tôi sẽ không phải ứng phó với đình lạm. Nhưng dĩ nhiên, nếu có tình huống như thế xảy ra, sẽ rất khó để cân bằng, vì bất kỳ hành động nào về lãi suất cũng sẽ gây ảnh hưởng đến một trong hai mục tiêu, một là chống lạm phát và một là bảo vệ việc làm”, ông Powell phát biểu khi đó.