Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics Đà Nẵng
Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xuất khẩu... là những giải pháp góp phần thúc đẩy chuỗi hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.
Ngày 18/4, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức “Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics thành phố Đà Nẵng”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics là chuỗi các hoạt động quan trọng, đóng vai trò then chốt của nền kinh tế, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và TP. Đà Nẵng nói riêng.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp
Thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; lắng nghe, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức “Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics thành phố Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, với nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng trước các biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, tiêu biểu như sự thay đổi về các chính sách thuế quan tại các thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp thành phố.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm khởi đầu cho kế hoạch giai đoạn mới 2026 - 2030. Để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên trong năm 2025; góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân thành phố cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay đưa thành phố đạt mục tiêu đặt ra.
"Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Về phía chính quyền thành phố sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xuất khẩu
Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi về thực trạng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics của doanh nghiệp trên địa bàn, các khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.
Thông tin về tình hình xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải cho hay, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Trao đổi thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định qua từng năm.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, ngày 17/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam” với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những ngày qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho cả hai bên, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, ổn định, cân bằng, cùng có lợi.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị.
Về xuất nhập khẩu và logistics của thành phố Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất - xuất khẩu có định hướng công nghệ cao, bền vững và hiện đại.
Về logistics, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển vượt trội nhờ sở hữu cảng Tiên Sa - một trong những cảng biển quan trọng tại miền Trung, sân bay quốc tế với năng lực khai thác lớn, cùng vị trí địa lý chiến lược nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối các nước khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng. Gần đây, Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù thành lập Khu thương mại tự do, cùng với việc triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu để nâng cao công suất, năng lực tiếp nhận tàu biển và xếp dỡ hàng hóa.

Đại diện Lãnh đạo TP. Đà Nẵng và Bộ Công Thương đối thoại, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics Đà Nẵng.
Sắp tới đây, theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có nội dung hợp nhất tỉnh Quảng Nam vào thành phố Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng năng lực logistics khi tiếp nhận thêm các đầu mối hạ tầng chiến lược như cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai.
Đây là bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái logistics tích hợp, đa phương thức, quy mô lớn - tạo điều kiện để Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics tầm quốc gia và khu vực, phù hợp với định hướng tại Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tại thành phố Đà Nẵng, ông Trần Thanh Hải lưu ý Thành phố cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xuất khẩu; định hướng phát triển các nhóm ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao gắn với tiềm năng sẵn có và xu hướng thị trường; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức một số chương trình với nội dung chuyên sâu...

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị.
Chia sẻ thêm về vấn đề Khu thương mại tự do, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết thời điểm hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Nghị quyết 136 ra đời (6/2024), đó chính là việc sáp nhập các tỉnh thành. Theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ có diện tích gần 12.000 km², là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất.
Ông Trần Thanh Hải nhìn nhận, mục tiêu của việc sáp nhập là để mở rộng không gian phát triển, vì vậy Đà Nẵng rất có lợi thế khi thêm phần diện tích của Quảng Nam.
“Thành phố cần xem xét để có điều chỉnh thích hợp, Khu Thương mại tự do có nhất thiết đặt tại Đà Nẵng không? Hay đề xuất ở Quảng Nam, cụ thể là khu vực gần khu công nghiệp Chu Lai, cảng Chu Lai, sân bay Chu Lai. Bởi ở đây cũng có nhiều lợi thế và không gian để phát triển”, ông Hải đặt vấn đề.
Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cũng cho rằng, trước đây khi đề xuất Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù chưa có những vấn đề này, nhưng hiện tại với chủ trương sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thì cần nghĩ đến để có thể điều chỉnh, bổ sung vị trí của Khu Thương mại tự do.
“Chúng ta vẫn có thể có Khu Thương mại tự do ở Đà Nẵng, gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhưng cũng có thể đề xuất một khu ở Chu Lai để có thêm dư địa phát triển. Đó mới chính là lợi ích lớn nhất của việc sáp nhập”, ông Trần Thanh Hải phân tích.