Chủ tịch G.C Food kể chuyện 'tất tay khởi nghiệp' với cây nha đam

Nhớ lại ngày bắt đầu hành trình với cây nha đam ở tuổi 31, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (G.C Food) Nguyễn Văn Thứ không khỏi bùi ngùi khi chia sẻ với Mekong ASEAN về những bài học kinh nghiệm trị giá hàng tỷ đồng tại vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió.

Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (G.C Food) Nguyễn Văn Thứ.

Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (G.C Food) Nguyễn Văn Thứ.

“Tôi khi ấy đứng trước một trong những băn khoăn lớn nhất cuộc đời mình. Tiếp tục sống trong vùng an toàn với một công việc đúng chuyên ngành với cương vị là phó giám đốc chi nhánh của một ngân hàng lớn có thu nhập khá cao hay bước đi một con đường mới”, doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, người được mệnh danh là "vua nha đam Việt Nam" nhớ lại.

Theo lời ông Nguyễn Văn Thứ, khi làm ngân hàng, ông đã nhiều lần thẩm định và duyệt hồ sơ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thành công, phát triển nhưng cũng không ít doanh nghiệp phải phá sản.

Trăn trở khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp gặp thất bại vì không bán được hàng, do được mùa mất giá và vì nhiều lý do khác khiến việc thu hồi nợ của ngân hàng cũng gặp khó, ông Thứ muốn làm một điều gì đó về thực phẩm mang lại giá trị và ý nghĩa xã hội. “Khi đó tôi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và khởi khiệp ở tuổi 31”, ông Thứ hồi tưởng.

Trong nhiều mặt hàng, lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với đại đa số và dễ dàng “ăn khách” nhưng ông lại chọn cho mình con đường gồ ghề và nhiều chông gai hơn để phát triển.

“Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về kiến thức nông nghiệp, đi nhiều nơi và dành hơn 5 năm để tìm được loại nông sản chân ái cho mình. Năm 2008, tình cờ đến với vùng đất Ninh Thuận, tôi ấn tượng với cây nha đam, loại cây nhiều giá trị, cho nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu”, ông Thứ nói.

Chia sẻ về ấn tượng của mình, ông Thứ cho biết, ở một vùng đất chỉ có nắng và gió lại mọc lên một loại cây thật đặc biệt. Thời điểm đó, sản phẩm bà con làm ra tiêu thụ rất khó khăn, được mùa thì mất giá nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Do đó, Chủ tịch G.C Food quyết định sẽ tìm hướng đi bền vững cho loại cây đặc biệt này.

Nhà máy sản xuất của G.C Food được xây dựng ngay trên vùng đất nắng và gió.

Nhà máy sản xuất của G.C Food được xây dựng ngay trên vùng đất nắng và gió.

Thành công từ những bài học kinh nghiệm hàng tỷ đồng

Năm 2011, ông Nguyễn Văn Thứ quyết định xây dựng nhà máy chế biến nha đam tại Đồng Nai và chính thức thành lập Công ty TNHH Thực phẩm G.C. Thời điểm ấy, lực lượng công nhân khiêm tốn chưa tới 60 người, máy móc thì khá thô sơ, đa phần là sản xuất thủ công.

“Là lĩnh vực trái ngành nên dù đã học hỏi nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế nhưng G.C Food cũng gặp phải rất nhiều sự cố. Hàng loạt các lô hàng xuất đi bị trả về vì hư hỏng, lần lượt mỗi lô trên dưới vài chục tấn nha đam thành phẩm, giá trị tại thời điểm khoảng hơn 2 tỷ đồng. Hàng loạt các lô hàng xuất đi bị trả về với các nguyên nhân khác nhau như lỗi sản phẩm, nhớt, mềm… thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng”, ông Thứ bùi ngùi nhớ lại.

G.C Food đã dành nhiều thời gian gây dựng niềm tin với bà con nông dân.

G.C Food đã dành nhiều thời gian gây dựng niềm tin với bà con nông dân.

Sự thất thoát này không hề nhỏ với một doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, ông Thứ cho biết mình không nản chí, mà ngược lại càng có động lực để cố gắng hoàn thiện quy trình, đưa sản phẩm nha đam Việt Nam ra thế giới công nhận.

Sau 4 năm hoạt động, ông Thứ nhận thấy, nhà máy đặt ngay vùng nguyên liệu thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn và cũng có thể mở rộng vùng nguyên liệu.

“Năm 2014, tôi quyết định đến Ninh Thuận một lần nữa để thuê đất, xây dựng nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu. Tôi đặt tên cho ‘đứa con’ của mình là: Cánh Đồng Việt. Đây được xem là một bước ngoặc quan trọng trong với hành trình gắn liền cây Nha đam ở tỉnh Ninh Thuận”, ông Thứ cho biết.

Nhưng khi ấy, theo lời "vua nha đam", bà con tại Ninh Thuận đều mất niềm tin bởi trước đó có nhiều doanh nghiệp hứa hẹn và hỗ trợ thu mua khi nông sản nhưng đến ngày thu hoạch lại không thấy đâu. Do đó, ông Thứ đã làm mọi cách để thuyết phục bà con tin tưởng và làm theo quy trình sản xuất của công ty.

Khó khăn không dừng ở đó, ông Thứ cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nha đam lúc bấy giờ còn rất nhiều hạn chế, không điện, không đường, không nước, đòi hỏi phải có sự đầu tư mới có thể đảm bảo vận hành sản xuất.

Ngoài ra, tỷ lệ người lao động có chuyên môn, tay nghề còn rất thấp, đây cũng là vấn đề khiến ông Chủ tịch G.C Food trăn trở. Ông đã đưa toàn bộ nhân sự G.C Food ở Đồng Nai lúc bấy giờ ra Ninh Thuận để hướng dẫn công nhân, chuyển giao quy trình sản xuất.

G.C Food cũng đưa thêm đoàn chuyên gia ở Nhật về hướng dẫn và tuyển dụng một nhà chuyên môn người Nhật làm việc liên tục 6 tháng tại nhà máy.

Bên cạnh đó, xác định cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc lạc hậu là một trong các nguyên nhân cản trợ con đường của cây nha đam ra thế giới, G.C Food đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khâu này.

Các thiết bị sản xuất cho mặt hàng nha đam trên thị trường không có sẵn, nên nhà máy phải tự thiết kế và chế tạo để phù hợp với yêu cầu của khách hàng và mặt hàng đang sản xuất. “Với chi phí cao đáng kể, tỷ lệ thuận với chi phí mà tôi đã bỏ ra, năng suất cũng như công suất của nhà máy đã tăng nhanh chóng từ 45 - 60 tấn/ngày nay đã tăng lên 100 - 150 tấn/ngày”, ông Thứ phân tích.

Trái ngọt từ con đường thực phẩm hạnh phúc

Với những lần vượt khó không ngừng nghỉ của G.C Food, ông Nguyễn Văn Thứ phấn khởi cho biết, nhiều vùng quê canh tác nha đam cung cấp nguyên liệu cho Cánh Đồng Việt tại Ninh Thuận giờ đã thay da đổi thịt. Các hộ nông dân đang canh tác cây nha đam cho nhà máy cũng có cuộc sống ấm no, ổn định và đủ đầy hơn.

"Tôi xác định tầm nhìn của GC Food là: Tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc. Làm nông nghiệp chân chính để mang sản phẩm của mình đi khắp thế giới, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt là mục tiêu mà GC Food đã và đang làm”.

Chủ tịch G.C Food Nguyễn Văn Thứ

Giá thành nguyên liệu nha đam từng nằm sát đáy 200 đồng/kg tại vườn, với quy mô ngày càng mở rộng và nhu cầu ngày càng tăng, đến nay, đã tăng lên 3.000 – 4.000 đồng /kg. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ cây nha đam.

Trải qua 9 năm hình thành và phát triển, nhà máy Cánh Đồng Việt đã tăng trưởng vượt bậc nhanh chóng qua các năm, góp phần đưa Ninh Thuận thành thủ phủ lớn nhất cả nước về cây nha đam. Nhiều vùng trồng cây nha đam ở các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Nha Trang, Phú Yên… cũng dần hình thành.

“G.C Food đã trở thành công ty sản xuất Nha đam và Thạch dừa lớn nhất Việt Nam và đang từng bước khẳng định vị trí số một Đông Nam Á. Mục tiêu của G.C Food trong 10 năm tới sẽ là công ty xuất khẩu nha đam và thạch dừa số 1 châu Á”, Vua Nha đam tự tin về lộ trình phía trước.

“Khi đã tạm thành công trên con đường đã chọn, tôi nhận ra rằng hành trình thoát ra khỏi vùng an toàn có thể giống như một cuộc phiêu lưu. Nó sẽ khiến bạn phải chấp nhận nhiều rủi ro và vượt qua nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, thành quả đạt được cũng lớn hơn rất nhiều và chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui và sự tự hào hơn. Việc dám đối mặt với những thử thách cũng khiến bạn trở nên dạn dĩ hơn, can đảm hơn”, Chủ tịch G.C Food đúc kết lại từ con đường khởi nghiệp của mình.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-gc-food-ke-chuyen-tat-tay-khoi-nghiep-voi-cay-nha-dam-post24248.html