Chủ tịch Gốm sứ Thanh Hà: 'Chúng tôi lấy đâu ra nhiều dầu thải thế!'

Ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà nhiều lần khẳng định công ty và con gái không liên quan đến vụ xả dầu thải xuống nguồn nước sạch sông Đà, nhưng những tài liệu phóng viên thu thập được lại hoàn toàn khác.

Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 21/10, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) cho biết, cơ quan chức năng đã triệu tập con gái mình là Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi) lên trụ sở làm việc để làm rõ lời khai của Lý Đình Vũ về việc được thuê để xử lý gần 9.000kg dầu thải của công ty với giá 7 triệu đồng.

Ông Truyền cũng có những thông tin cho thấy không phù hợp với thực tế trong vụ việc dầu thải của công ty được nhóm của Lý Đình Vũ đưa đi sau đổ xả thải trộm ra môi trường.

Theo ông Truyền, việc xử lý dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà thường được xử lý hàng năm. Số dầu thải thường được tích trong kho đến khi đủ sổ lượng quy định trong hợp đồng thì công ty môi trường sẽ đến lấy.

"Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu...", ông Nguyễn Đức Truyền cho hay.

Ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: PV

Tuy nhiên, số dầu thải mà nhóm Vũ lấy khỏi Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà vào sáng ngày 7/10 lên tới gần 9.000kg (tương ứng gần 9.000 lít). Điều đó cho thấy, nếu Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà có đủ số lượng dầu thải này thì phải mất tới hơn 20 năm hoạt động.

Bên cạnh đó, ông Truyền phủ nhận chuyện con gái mình là Nguyễn Thị Huyền Trang thuê nhóm của Vũ đưa dầu thải ra khỏi công ty với giá 7 triệu đồng. Qua trao đổi với con gái, ông Truyền nhận thấy Trang không có bất kỳ mối quan hệ hay quen biết với Vũ.

Ông Truyền cho rằng, Vũ đã lấy trộm dầu thải ra khỏi công ty của mình. "Chúng tôi lấy đâu ra nhiều dầu thải thế. Cũng không có chuyện công ty bán dầu thải ra bên ngoài cho người tên Vũ, việc này chúng tôi đã thuê một công ty môi trường làm thì còn bán cho người khác làm gì!", ông Truyền nói.

Một số thùng chứa dầu thải vẫn còn tại Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.

Một số thùng chứa dầu thải vẫn còn tại Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.

Thông tin chi tiết về nguồn dầu thải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà cho biết: "Trước đây, chúng tôi có sử dụng công nghệ đốt lốp caosu để lấy dầu nung gạch nhưng đã bỏ nhiều năm. Thời điểm hiện tại, công ty chỉ đốt và sử dụng nguyên liệu là dầu diesel. Dầu thải từ quá trình này hay được nông dân địa phương xin về bẫy chuột nhưng từ khi bỏ trồng lúa nên chẳng ai sử dụng. Chúng tôi sau đó đã ký với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (có địa chỉ tại Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) mới đến chở đi".

Khu vực chứa dầu để đốt lò nung gạch.

Khu vực chứa dầu để đốt lò nung gạch.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 23/10, đại diện Công ty Môi trường xanh Minh Phúc cho biết, đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà từ lâu. Như vậy, đã gần 2 năm nay, công ty này đã không còn hợp tác làm việc hay liên quan gì đến phía công ty của ông Nguyễn Đức Truyền.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc, sau khi hết hợp đồng đơn vị này không còn nắm được thông tin Công ty Gốm sứ Thanh Hà cung cấp, bán nguồn chất thải của nhà máy này cho ai, cho đơn vị nào xử lý.

Cũng theo tài liệu chúng tôi có được, những thông tin trên là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo như hợp đồng giữa Công ty Gốm sứ Thanh Hà (bên A) ký kết với Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (bên B) có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đến 31/12/2017 cho thấy, trước mỗi đợt bàn giao chất thải nguy hại, bên A phải báo cáo trước cho bên B ít nhất 1 ngày để bên B có thời gian bố trí nhân lực và phương tiện vận chuyển.

Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại giữa Công ty Môi trường xanh Minh Phúc và Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã hết hiệu lực ngày 31.12.2017.

Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại giữa Công ty Môi trường xanh Minh Phúc và Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã hết hiệu lực ngày 31.12.2017.

Ngoài ra, hợp đồng cũng yêu cầu bên A phải có trách nhiệm đến cùng với chất thải đã bàn giao, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng bên B vận chuyển và xử lý chất thải an toàn, hiệu quả và triệt để. Định kỳ có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương về quá trình thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định của nhà nước.

Về đơn giá, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc sẽ có trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dính nhiễm thành phần nguy hại, dầu mỡ bôi trơn thải với tổng giá trị trọn gói là 3.000.000 đồng/tháng...

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư La Văn Thái – giám đốc công ty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Với những điểm mâu thuẫn trên mà ông Truyền đưa ra cho thấy có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, không phù hợp với thực tế và kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Theo luật sư Thái, trong vụ việc xả thải trộm ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước Nhà máy Nước sạch sông Đà có nhiều điểm khó hiểu, vì thế cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra thận trọng, triệu tập tất cả các bên liên quan để lấy lời khai để làm rõ mục đích thực sự phía sau, ai là chủ mưu trong vụ án này.

Nguồn nước dẫn vào sông Đà bị ô nhiễm do bị đổ dầu thải. Ảnh: Hồng Quang

Nguồn nước dẫn vào sông Đà bị ô nhiễm do bị đổ dầu thải. Ảnh: Hồng Quang

Luật sư Thái cũng nêu rõ nếu biết mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường", với vai trò đồng phạm giúp sức. Trường hợp công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm nhưng vẫn có thể xem xét trách nhiệm của công ty này đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm luật môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định số 155/2016/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tại điều 21 về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trong đó có quy định nêu rõ, với những hành vi như không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hai ôtô liên quan vụ án bị tạm giữ để điều tra.

Hai ôtô liên quan vụ án bị tạm giữ để điều tra.

Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau trong trường hợp các chất thải nguy hại không cùng tính chất, không cùng phương pháp xử lý hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Đáng chú ý, với hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên...

Biên bản làm việc của cơ quan chức năng xác định: Tháng 9/2019, Lý Đình Vũ liên lạc với chị Nguyễn Thị Huyền Trang để đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được người phụ nữ này đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, Trang sẽ phải trả cho Vũ tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.

Đến sáng 7/10, khi Vũ đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải thì Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, Trang cho biết đã giao lại cho ông Trần Thành Trung thay mình bán dầu thải. Khoảng 8 giờ cùng ngày, Nguyễn Chương Đại điều khiển xe tải mang BKS 99C-087.83 vào công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Thám.

Nhóm người này đã sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 bồn chứa và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg.

Làm việc với cơ quan công an, ông Trần Thành Trung thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (là dầu thải) theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.

Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại tỉnh Bắc Ninh), Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tỉnh Lạng Sơn) và Lý Đình Vũ (SN 1982, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) để điều tra về tội "Gây ô nhiễm môi trường", theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015.

Các quyết định trên đã được VKSND tỉnh Hòa Bình phê chuẩn.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vu-dau-doc-nguon-nuoc-sach-song-da-bo-con-chu-tich-gom-su-thanh-ha-co-bi-xu-ly-20191023152826304.htm