Chủ tịch GP.Invest 'than' một loạt khó khăn doanh nghiệp BĐS đối diện khi đầu tư dự án

Tại diễn đàn 'Kinh doanh và Pháp luật Việt Nam' năm 2024 tổ chức sáng 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, đã nêu lên hàng loạt khó khăn lớn mà doanh nghiệp bất động sản gặp phải khi đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest)

Cụ thể, về giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho hay, pháp luật có quy định doanh nghiệp phải làm thủ tục 60 ngày, gặp đủ 3 lần với các bên liên quan, sau đó mới được đối thoại về vấn đề thu hồi đất.

“Dự án của chúng tôi thậm chí phải trải qua 177 bước, kéo dài 360 ngày mới đủ điều kiện đối thoại trước khi cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Do vậy, giải phóng mặt bằng đang là gánh nặng mà doanh nghiệp bất động sản phải chịu”, ông Hiệp nói và dẫn chứng thêm, ở một dự án khác, riêng khâu giải phóng mặt bằng kéo dài tới 14 năm.

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đối với các thủ tục hành chính, Chủ tịch GP.Invest cho biết thông thường, một dự án bất động sản cần tới 38 – 40 con dấu. Nguyên do là quy trình đầu tư dự án trải qua rất nhiều bước, mỗi bước cần vài con dấu khác nhau.

“Để chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp gửi hồ sơ lên Văn phòng UBND tỉnh, thành phố.

Văn phòng sẽ gửi các sở, địa phương liên quan, như vậy là phát sinh vài con dấu. Đến bước lập quy hoạch cũng có 3 – 5 con dấu, rồi định giá cũng vậy… cứ thế nhân lên...

Chúng tôi cho rằng dù đã có quy trình mẫu, nhưng vẫn cần có sự kiểm tra. Ví dụ quy trình mẫu quy định là sau 15 ngày cơ quan chức năng phải trả kết quả, nhưng sau 15 ngày chưa có thì cũng không ai nhắc cả”, ông Hiệp nói.

Một vấn đề khác cũng được ông Hiệp nêu lên là thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án quá phức tạp. Theo ông, gần như mọi dự án bất động sản đều phải điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện. Nhưng bất kỳ một điều chỉnh nào cũng đều phải xin đủ ý kiến các bên liên quan, rồi sau đó lại tiếp tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức.

“Ví dụ dự án của chúng tôi chỉ nhích ra một tí hay chỉnh con đường tránh ống cống một tí cũng phải xin điều chỉnh quy hoạch và phải lên tới cấp cao nhất của địa phương.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất về giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ - Ảnh VGP/Đức Tuân

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất về giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ - Ảnh VGP/Đức Tuân

Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp nước ngoài than vãn thủ tục đầu tư tại Việt Nam như mê hồn trận, họ không dám vào mà phải hợp tác với một doanh nghiệp trong nước để họ làm giúp”, ông Hiệp cảm thán.

Chủ tịch GP.Invest cho rằng những vướng mắc nêu trên có nguồn gốc từ việc lĩnh vực bất động sản chịu sự chi phối của 15 đạo luật. Mỗi đạo luật lại do một bộ ngành soạn thảo nên xảy ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã sửa chữa, giúp hạn chế sự thiếu đồng bộ giữa các luật, song ông Hiệp cho rằng nhiều ý kiến của doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, các dự án bất động sản thuộc loại liên ngành, nên chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Khi thực hiện tổng kết Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng nhận thấy có những vấn đề lớn. Nổi bật trong đó là trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà ở tại mỗi địa phương đều khác nhau.

“Cùng là chủ đầu tư đó, làm ở địa phương này thì theo một quy trình, làm ở địa phương khác lại theo một quy trình khác. Điều đó khiến doanh nghiệp không chủ động được sự chuẩn bị khi triển khai đầu tư dự án”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Nhà ở 2023 và xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành luật, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành quy trình thủ tục thực hiện dự án với những hướng dẫn cụ thể.

Đối với đề nghị cần có chế tài kiểm tra việc thực hiện thủ tục, ông Hưng cho biết các thủ tục luôn có quy định về thời hạn, nếu vượt thời hạn, cơ quan chủ trì sẽ phải giải trình.

“Hiện nay, tất cả thủ tục đều phân cấp, phân quyền về địa phương rồi, nên địa phương phải giám sát.

Việc thưởng phạt đối với sự tuân thủ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyển của địa phương”, đại diện Bộ Xây dựng nói.

Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, có sự tham dự của khoảng 450 đại biểu.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 địa phương với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại các địa phương, do đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chủ trì.

Đây là sự kiện thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024).

Hải Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chu-tich-gpinvest-than-mot-loat-kho-khan-doanh-nghiep-bds-doi-dien-khi-dau-tu-du-an-post178968.html