Chủ tịch Hà Nội kiến nghị không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ.

Đoàn giám sát của Quốc hội, ngày 17/7, đã làm việc với UBND TP Hà Nội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

 Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo Đoàn giám sát Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở trung và cao cấp, giao dịch thành công chủ yếu vẫn là những căn hộ nằm tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.

Giai đoạn này, có khoảng 466 dự án đã hoàn thành, tương đương khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt khoảng 27,25 m2/người, vượt mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đến hết năm 2023 đạt khoảng 28,6 m2/người, vượt chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2023 (khoảng 28,2 m2/người).

Công tác phát triển nhà ở xã hội được chú trọng, đã có 30 dự án đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Đáng chú ý, nhằm đáp ứng chỉ tiêu đã được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối lượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai doạn 2021-2030” của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Thành phố cũng rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ/khu), trong đó tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.

 Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhìn nhận, nguồn cung bất động sản còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Phân khúc nhà chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Tiến độ triển khai các dự án bất động sản chậm…

Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của Thành phố. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội trong các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về quy mô dân số. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân còn chậm. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, về điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thành phố đề nghị các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở,... có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000.

Thành phố cũng kiến nghị ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người dân được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước...

Tại buổi giám sát Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, cùng với nỗ lực của thành phố, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết để phát triển Thủ đô có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.

Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền, về ngân sách, quản lý đầu tư; nhiều quy định mang tính đột phá, phân cấp, phân quyền cho Hà Nội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Cũng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi một số điều Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để các luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 1/8/2024 nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong đó có tháo gỡ cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật.

Tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thủ đô; hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô, Quốc hội đã cho ý kiến.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-ha-noi-kien-nghi-khong-phan-biet-nha-o-xa-hoi-va-nha-o-thuong-mai-post303901.html