Chủ tịch Hà Nội ra quy định về công tác cán bộ, nêu các trường hợp phải từ chức

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quy định số 49 về việc thực hiện công tác cán bộ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội.

Quy định số 49 của UBND thành phố Hà Nội quy định cụ thể về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người quản lý doanh nghiệp, cử người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: PV.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: PV.

Về nguyên tắc bổ nhiệm, quy định 49 yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của người được xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc bổ nhiệm cũng phải bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Không thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với các trường hợp đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Quy định cũng nêu các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chung đối với cán bộ: về chính trị, tư tưởng; lý luận chính trị; trình độ; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật.

Những trường hợp bị miễn nhiệm, từ chức

Đáng chú ý, quy định 49 có một chương về từ chức, miễn nhiệm và bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức, miễn nhiệm. Nguyên tắc là cấp nào ra quyết định bổ nhiệm thì cấp đó xem xét, quyết định việc cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi cho từ chức, miễn nhiệm.

Theo quy định, việc xem xét cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng;

Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Do không đủ sức khỏe hoặc vì các lý do chính đáng khác; Bị kỷ luật chưa đến mức phải xem xét miễn nhiệm nhưng tự nguyện xin từ chức; Theo yêu cầu nhiệm vụ.

Quy định cũng nêu, việc xem xét từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực...

Cũng theo quy định 49, việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hai lần trở lên trong thời hạn bổ nhiệm;

Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác;

Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm;

Việc miễn nhiệm đối với người đứng đầu được thực hiện khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-ha-noi-ra-quy-dinh-ve-cong-tac-can-bo-neu-cac-truong-hop-phai-tu-chuc-post1665653.tpo