Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại, trả lời nhiều vấn đề 'nóng' thanh niên quan tâm
Chiều 29-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi đối thoại với thanh niên Thủ đô năm 2023 với chủ đề: 'Thanh niên thành phố Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số'.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 30 quận, huyện, thị xã cùng 2.000 đoàn viên thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các sở ngành trao đổi, thông tin, trả lời những mong muốn của đoàn viên thanh niên Thủ đô. Chủ tịch UBND TP cũng dành nhiều thời gian trả lời, phân tích, định hướng những vấn đề quan trọng với thanh niên Thủ đô.
“Thanh niên cần chứng minh mình để có quyền tiếp cận sòng phẳng”
Bí thư Đoàn Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Trần Tuấn Dương đặt câu hỏi: “Thành phố có những chính sách gì trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và đào tạo lại cho lao động phổ thông để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho lực lượng lao động Thủ đô?”.
Sau khi lãnh đạo Sở LĐ&TBXH trả lời về việc thành phố có nhiều giải pháp, kế hoạch cơ bản, căn cơ cho từng năm với mục tiêu đảm bảo việc làm cho thanh niên.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chia sẻ thêm: “Mong muốn của người dân luôn là chăm sóc y tế tốt không? Con cái đi học tốt không? Việc làm có tốt không. Đây là việc quan trọng, chính quyền cần làm tốt. Hà Nội sẽ có cách làm riêng, cố gắng làm sao để thanh niên, lao động thủ đô đến tuổi đi làm thì có việc, khi thất nghiệp không bị gián đoạn cuộc sống, được hỗ trợ có việc làm mới.
Theo phân tích, dự báo nguồn lao động hằng năm, chuyển hướng đào tạo các ngành nghề không chỉ cho trước mắt mà tính toán cho cả 5-10 năm theo sự phát triển của công nghệ…”.
Bí thư Đoàn xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Biển đặt câu hỏi: “Hiện nay nhiều thanh niên đang có nhu cầu vay vốn đi học, đi xuất khẩu lao động tuy nhiên theo quy định thì họ phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Kính đề nghị lãnh đạo thành phố nghiên cứu ban hành các chính sách mới cho nhu cầu ngày càng tăng này của thanh niên”.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phân tích rõ, vay vốn để học trong nước hay để đi lao động xuất khẩu cũng là một khoản “đầu tư” và đặt câu hỏi với lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội: “Có cơ chế nào để “đầu tư” không?”.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, 2 chương trình cho vay đi học, xuất khẩu lao động hiện nay chủ yếu dành cho đối tượng yếu thế.
Để mở rộng đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị UBND TP giao các sở ban ngành nghiên cứu, rà soát yêu cầu thực tế, tham mưu UBND TP để mở rộng đối tượng cho vay hơn…
Chủ tịch UBND TP phân tích rõ, việc vay vốn hiện nay còn nhiều khó khăn bởi các ngân hàng chưa thực sự tin tưởng thanh niên và tâm sự: “Vai trò của đoàn phải truyền thông, có cách để xã hội thừa nhận mỗi thanh niên là một cá thể độc lập, có trách nhiệm dân sự, giao dịch; vay vốn tín chấp bằng danh dự, nghề nghiệp, bằng phần đời còn lại của tôi chứ không phải bằng bố mẹ. Mỗi thanh niên cũng phải tự lớn hơn, trưởng thành hơn. Chúng ta cùng cố gắng đấu tranh, chứng minh để mình được quyền tiếp cận sòng phẳng”.
Vai trò của thanh niên trong thương mại điện tử
Bí thư Đoàn phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) Đoàn Mỹ Phượng quan tâm đến việc thành phố có những định hướng gì để xu hướng bán hàng online trở thành một ngành nghề “chính thống” và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội năm nào cũng đứng thứ 2 toàn quốc. Đã kinh doanh thương mại điện tử phải theo đúng quy định: được cấp phép, đăng ký website bán hàng; kê khai thuế…và khẳng định, sở mong muốn các bạn trẻ tích cực tham gia thương mại điện tử, sở sẽ là đầu mối hỗ trợ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP nói thêm: “Có quy định rồi, thanh niên có tham gia thì thực hiện đúng quy định, không trốn thuế. Làm sao phát động được việc thanh niên, bí thư đoàn xã bán được sản phẩm OCOOP của Hà Nội, đó mới là vai trò của thanh niên. Chúc các đồng chí kinh doanh thành công”.
Bí thư Đoàn ĐHQG Hà Nội Hứa Thanh Hoa nêu vấn đề số lượng thủ khoa công tác tại các cơ quan thành phố là khá khiêm tốn, và số lượng gắn bó lâu dài lại càng ít hơn và đặt câu hỏi: “Kính mong đồng chí Chủ tịch UBND TP chia sẻ các định hướng của Thành phố trong thời gian tới trong việc quan tâm hơn nữa đến cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các đối tượng này?”.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội trả lời về loạt cơ chế hỗ trợ mà thành phố đã triển khai và khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các thủ khoa tuy nhiên cần thay đổi nhận thức rằng: làm việc ở doanh nghiệp, cơ quan, lĩnh vực khác cũng là đóng góp cho sự phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ghi nhận kiến nghị này và nói thêm: “Hy vọng thanh niên có cách nhìn rộng hơn bởi đóng góp cho bất kỳ lĩnh vực, khu vực nào, cũng là trực tiếp đóng góp xây dựng Việt Nam. Theo nhu cầu thực tế, chỗ nào cần hơn sẽ đặt nhu cầu cao hơn để thu hút nhân lực”.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố cũng trả lời các vấn đề mà thanh niên quan tâm về việc hỗ trợ, chương trình ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trực thuộc trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Nghiên cứu cơ chế có quỹ đầu tư chuyển đổi số; “vaccine” bảo vệ người trẻ trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cách mạng 4.0 hữu hiệu; triển khai mã Qr quảng bá các địa chỉ đỏ của Thủ đô…