Chủ tịch Hạ viện Mỹ sắp thăm 'điểm nóng' Armenia?
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và nghị sĩ đảng Dân chủ Jackie Speier sẽ đến thăm Armenia vào cuối tuần này để bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Politico đưa tin hôm 15/9 trích dẫn các nguồn thạo tin.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ diễn ra sau khi đụng độ bùng phát ở biên giới Azerbaijan và Armenia khiến hơn 170 người thiệt mạng.
Bà Pelosi hiện đang ở Berlin (Đức) tham dự hội nghị với các quan chức G7 để bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine. Theo Politico, bà Pelosi và nghị sĩ Speier (người Mỹ gốc Armenia) sẽ lên máy bay đến Yerevan sau cuộc hội đàm.
Văn phòng của nghị sĩ Speier chưa bình luận về thông tin này, trong khi Phó Chánh văn phòng của bà Pelosi, Drew Hammill, nói với Politico rằng họ không “xác nhận hoặc phủ nhận thông tin về các chuyến thăm vì lý do an ninh”.
Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của bà Pelosi là chuyến thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc) hồi đầu tháng 8. Chuyến thăm đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyến thăm Armenia của bà Pelosi – nếu được xác nhận – sẽ diễn ra đúng thời điểm quan hệ Armenia với Azerbaijan “nóng” trở lại.
Armenia đổ lỗi cho Azerbaijan vì đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái nhằm vào nước này hôm 13/9. Hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng sau đó.
Sau khi Yerevan tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, mà Armenia là thành viên, Azerbaijan đã đề xuất một “lệnh ngừng bắn nhân đạo”.
Cộng đồng người Armenia ở Mỹ đã kêu gọi Washington hỗ trợ Yerevan như cách mà họ hỗ trợ Ukraine.
Căng thẳng Armenia – Azerbaijan có liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Xung đột bùng phát lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1980, khi 2 nước vẫn còn thuộc Liên Xô và Armenia giành quyền kiểm soát một dải đất rộng gần Nagorno-Karabkah mà quốc tế đã thừa nhận là thuộc về Azerbaijan. Ở đó có một cộng đồng người Armenia sinh sống.
Năm 2020, giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra cuộc chiến kéo dài 44 ngày tại Nagorno-Karabakh. Cuộc đụng độ kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn do Nga dàn xếp.
Vào tháng 8, Baku yêu cầu “phi quân sự hóa” khu vực tranh chấp, trong khi Yerevan cáo buộc Azerbaijan cố gắng cắt đứt con đường nối Nagorno-Karabakh với Armenia.